PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Người phụ nữ dám nghĩ, dám làm, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế

07/06/2018 9:24:56 CH

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông tại xã nghèo Mỹ Thuận - huyện Tân Sơn, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn chị Dương Thị Thu không được bố mẹ cho ăn học như những người bạn cùng trang lứa. Năm 2001, chị xây dựng gia đình với người cùng xã, hoàn cảnh gia đình nhà chồng với 9 anh chị em cũng rất nghèo khó.

Vợ chồng chị được bố mẹ chồng cho ra ở riêng trên mảnh đất gần đó, tài sản không có gì giá ngoài chiếc nồi cơm điện hai vợ chồng nấu ăn hàng ngày. Cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn khi chị sinh cháu thứ nhất năm 2002 và năm 2008 sinh cháu thứ hai. Cuộc sống thực sự khó khăn. Nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ làm sao để con mình không chịu cảnh đói khổ, phải được đến trường cho bằng chúng bạn. Chị suy tính không thể nào ngồi không trên một mảnh đất màu mỡ trù phú như thế này mà để cái nghèo đeo bám được. Chị bàn với chồng phát nương trồng chè xanh gây dựng kinh tế gia đình. Từ đôi bàn tay trắng chị bắt tay vào khai hoang trồng chè, vốn là lợi thế của vùng. Ban đầu chỉ có 2 sào chè, sau một thời gian cho thu hoạch chị bắt đầu cảm thấy có thể phát triển được từ cây chè.

Với bản tính cần cù, chăm chỉ, vợ chồng chị đã dành dụm được một khoản tiền 5 triệu đồng, cùng với sự hỗ trợ vay từ nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện qua kênh của Hội phụ nữ với số tiền 20 triệu đồng, vợ chồng chị bắt tay vào khai hoang thêm 2ha trồng chè lấy búp. Ban đầu do chưa có kỹ thuật và hiểu biết về chế biến chè khô, lượng chè làm ra chủ yếu bán chè xanh cho các thương lái nhỏ trong và ngoài xã. Sau đó với sự tìm hiểu về lợi nhuận cao hơn khi chế biến chè đen, chị đã đi học hỏi các nghề chè trong và ngoài xã, đặc biệt là các hộ gia đình có kinh nghiệm chế biến chè khô. Ngoài ra vợ chồng chị còn tham gia các khóa tập huấn về chế biến chè đen, chè xanh do Hội phụ nữ xã, huyện và Trạm khuyến nông tổ chức. Có kinh nghiệm trong tay, chị tin tưởng, phấn khởi và yên tâm biết chừng nào. Chị mạnh dạn đầu tư 02 lò quay chè và 02 máy vò chè để chế biến chè đen. Nhận thấy có thể làm giàu từ chế biến chè năm 2015 chị mạnh dạn đầu tư thêm 02 máy quay chè, 02 máy vò , 01 máy tách chè để phân loại chè trước khi đóng gói, tổng trị giá thành tiền khoảng 60 triệu đồng.

Từ việc chế biến chè do gia đình sản xuất, vợ chồng chị Thu tiếp tục đầu tư thu mua thêm chè tươi về để chế biến, với công suất 4 đến 5 tạ chè tươi/ngày, với sản lượng chè khô đạt khoảng từ 2,5 đến 3 tạ chè khô. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó do chè chúng tôi là chè sạch, an toàn, được hái bằng tay và không có dư lượng thuốc trừ sâu nên tôi đã gây dựng được uy tín trong người tiêu dùng. Năm 2015, khu Mu Vố được UBND tỉnh công nhận là làng nghề chè của xã. Đây là cơ hội thuận lợi cho gia đình chị và các hộ khác trong khu liên kết tìm được tạo đầu ra cho sản phẩm chè sạch. Để việc tiêu thu được thuận lợi hơn, chị đã mua thêm máy hút chân không để đóng gói chè tiêu thụ ra thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, có dán tem, mác, hạn sử dụng và địa chỉ cụ thể, rõ ràng.

Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng chị đã vươn lên thoát nghèo. Đến nay kinh tế gia đình chị đã ổn định, với thu nhập hàng năm còn khiêm tốn khoảng 150 triệu đồng/năm, chị đã trả được tiền vay Ngân hàng và đã xây dựng được ngôi nhà mái bằng khang trang. Bên cạnh đó, chị còn giải quyết công ăn việc làm cho từ 4 đến 5 lao động là người địa phương phụ giúp với thu nhập từ 5-6 triệu đ/tháng từ việc chế biến chè. Niềm tự hào của vợ chồng chị đó là 02 cháu đều là chăm ngoan, học giỏi. Cháu thứ nhất đang học lớp 10 là học sinh giỏi của tỉnh, cháu thứ 2 đang học lớp 4 là học sinh giỏi cấp quốc gia về môn Tiếng Anh.

Trong công tác Hội, bản thân chị luôn nhiệt tình tham gia và là hội viên nòng cốt của khu dân cư. Luôn giúp đỡ, hướng dẫn nhiệt tình khi ai có nhu cầu học hỏi về nghề chế biến chè và cách làm giàu phát triển kinh tế gia đình. Trong nhiều năm, chị luôn được Hội phụ nữ xã tặng giấy khen.

Gặp lại chị tại Hội nghị biểu dương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi 5 năm (2013-2018) do Hội LHPN tỉnh tổ chức, chị nói “Thành tích của tôi cũng chưa có gì nổi bật, song tôi luôn tâm niệm rằng, “không có gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”quan trọng là việc mình dám nghĩ, dám làm để vươn lên phát triển kinh tế trên chính quê hương mình”.

Vy Hương

 Hội LHPN tỉnh



Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 57
  •   Tổng truy cập: 3420517