PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

KHI TRÁI TIM LÊN TIẾNG

21/12/2020 3:00:00 CH

Đ/c Đoàn Thị Kim Quy - Tổng GĐ Công ty CP cấp nước Phú Thọ trao tặng “Mái ấm biên cương” cho chiến sỹ có hoàn cảnh  khó khăn tại Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, tỉnh  Lai Châu  ngày 30/10/ 2019

Những ngày cuối tháng 11/2020, là một thành viên trong Đoàn công tác của Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đến với cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Lai Châu và bà con nhân dân các dân tộc Lai Châu, chị Đoàn Thị Kim Quy - Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Phú Thọ - mang theo hành trang là các loại thuốc chữa bệnh thiết yếu cùng nhiều bộ quần áo,

đồ dùng, đồ chơi cho trẻ em. Trong đầu chị luôn mong muốn được quay trở lại Sìn Suối Hồ thăm lại đứa bé người Hà Nhì mà năm 2019 chị đã gặp trong chuyến lên thăm và tặng quà cho học sinh các trường học nơi đây trên hành trình “Đồng hành cùng phụ nữ Biên cương”.

Năm ấy, Đoàn cán bộ Hội LH Phụ nữ Phú Thọ tổ chức chuyến công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu và Hội LH Phụ nữ tỉnh Lai Châu. Trong khuôn khổ chuyến công tác ấy, Đoàn đã tới thăm, tặng quà, khám bệnh, cấp phát thuốc cho Bộ đội Biên phòng và nhân dân một số địa phương trong tỉnh. Khi đến xã Sìn Suối Hồ huyện Phong Thổ, tận mắt chứng kiến cảnh sống của bà con nhân dân, nhất là trẻ em trong các bản, chị không cầm nổi nước mắt. Khi trao quà cho các em, chị run tay, không nói nên lời. Những đứa trẻ học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở bán trú miền núi nhỏ thó, lam lũ, trời lạnh mà hầu như bé nào cũng ăn mặc phong phanh, không đủ ấm, gương mặt ngác ngơ nhìn người lạ… khiến chị bần thần. Khi vừa trao xong số quà hỗ trợ bao gồm thiết bị dạy học, đồ dùng trong các lớp học với số tiền 50 triệu đồng cho thầy cô giáo và các em, chị quay ra thì ánh mắt chợt nhìn thấy người phụ nữ trung niên cõng một đứa trẻ tầm mười tuổi ngặt nghẽo trên lưng. Chị nhanh chân rời đám đông, đi lại nơi người phụ nữ ấy. Nhìn trang phục của người phụ nữ, chị đoán đó là người Hà Nhì, đứa bé trên lưng mẹ nhìn chị với ánh mắt mệt mỏi, gương mặt xanh xao, hốc hác, một bàn chân bị bó thuốc thò ra bên hông người mẹ. Trong câu chuyện bất đồng ngôn ngữ giữa chị và bà mẹ ấy, qua điệu bộ, cử chỉ, chị lờ mờ hình dung cảnh cậu bé đang học ở trường bán trú, cách đây 3 ngày trên đường đi học về gặp trời mưa nên mải chạy, cậu bị ngã lăn xuống hốc đá nên bàn chân phải bị gãy phải đi bó thuốc. Mặc dù đang được nhà trường cho nghỉ học để ở nhà dưỡng thương nhưng nghe tin có cán bộ dưới xuôi lên thăm trường, bà mẹ quyết định nghỉ buổi đi nương để cõng con tới lớp. Nghe kể về hoàn cảnh đứa bé, chị Quy bèn kéo riêng hai mẹ con người phụ nữ ra phía sau hội trường, mở túi rút ra năm triệu đồng của cá nhân mình tặng cho mẹ con cậu bé để họ có thêm tiền điều trị thuốc men cho con trai mình.

Trở lại với công việc thường ngày của một Tổng Giám đốc, chị dường như không còn thời gian để nghĩ đến những việc làm ấy. Nhưng trong thâm tâm, chị luôn nhớ về những kỷ niệm cũ, nhất là ánh mắt trong veo, đượm buồn của đứa trẻ miền biên cương năm xưa. Lần này, khi được thông báo, Đoàn sẽ trở lại Lai Châu, chị dành cả một buổi chiều để đi mua thuốc, quần áo, bút, giấy vở và đồ chơi đóng thùng cho lên xe với hy vọng gặp lại cậu bé. Tuy nhiên, chương trình lần này Đoàn công tác của Hội LHPN tỉnh Phú Thọ sau khi tổng kết 3 năm thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ Biên cương” tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu sẽ tới thăm, trao quà cho Đồn Biên phòng Pa Ủ và nhân dân Pa Ủ thuộc huyện Mường Tè, cách thành phố Lai Châu 200 km. Biết là không có dịp gặp lại đứa bé ấy, chị Quy ngân ngấn nước mắt, cảm thấy như mình có lỗi vì đã không thực hiện được mong muốn của mình “Trong cuộc đời, có những lúc tôi hay suy nghĩ vẩn vơ những gì chợt đến thường thì lại chợt đi ngay. Nhưng câu chuyện về đứa bé người Hà Nhì nằm trên lưng mẹ nó thì lại được xếp vào một ngăn ký ức, lúc làm việc tôi có thể quên, nhưng những lúc rảnh rỗi tôi lại nhớ đến nét mặt đau đớn và hình ảnh cái bàn chân bó thuốc nam chưa kịp khô, cứng đơ đập vào hông bà mẹ mỗi bước đi. Đứa bé thật đáng thương, nó không thể vì thiều tiền, thiếu thuốc mà trở nên tàn phế. Nó phải được đến trường khỏe mạnh như những trẻ khác. Tôi chỉ làm những gì mà con tim tôi mách bảo”. Và chị Quy không quên gửi số quà mà mình đã chuẩn bị cho cậu bé và gia đình cậu. Trên hành trình đến với bà con biên cương miền Tây Tổ quốc, chị thầm cầu mong và hình dung cảnh tượng đứa trẻ ấy đang tung tăng chạy nhảy trên sân trường đầy nắng với đôi chân khỏe mạnh, vững chãi, gương mặt cậu không còn mệt mỏi và luôn nở nụ cười tươi tắn như những đóa hoa Dã Quỳ mọc đầy trên quê hương cậu.

Đêm ở Đồn Biên phòng lạnh buốt. Vùi mình trong chăn ấm trên chiếc giường tầng của bộ đội, chị thủ thỉ kể cho các bạn đồng hành cùng nghe những câu chuyện mà chị đã gặp trải dài theo những cung đường của cuộc hành trình “Đồng hành cùng phụ nữ Biên cương” mà chị là một trong những thành viên năm nào cũng có mặt, năm nào cũng góp phần mang lại niềm tin và sự bình yên cho mỗi bản làng biên giới. Giọng chị nghẹn đi khi nhắc tới chuyện các chiến sĩ Biên phòng cùng nhân dân cắm chốt giữa đường biên hoặc trên đỉnh núi cao ngày đêm dầm mình trong sương lạnh, gói mì tôm cầm lòng, súng chắc trong tay tuần tra, kiểm soát không cho người di cư, nhập cư trái phép, nhất là trong mùa dịch Covid - 19, không cho dịch bệnh tràn vào nước ta. Trong ánh sáng lờ mờ của trăng suông và ngọn đèn gác ngoài trời hắt vào, chị với tay lên đầu giường nơi có chiếc hộp cacton nhỏ đựng đồ cá nhân của anh lính trẻ đã nhường giường cho chị nghỉ để lấy chai nước theo lời dặn của chủ nhân chiếc giường “Cháu có chai nước để đấy, cô cứ lấy dùng ạ!”. Trong chiếc hộp chữ nhật ấy, có đôi quân hàm chiến sĩ, một bộ gương lược nhỏ nhắn, một chiếc dao cạo râu, một chai dầu gió và vài vỉ thuốc cảm cúm. Bần thần giây lát, chị bật đèn điện thoại, mở hành trang, xé sổ ghi chỉ dẫn từng loại thuốc và đặt tờ giấy cùng toàn bộ số thuốc mang theo phòng thân vào trong chiếc hộp, trả lại ngay ngắn nơi đầu giường, không quên ghi vài chữ “Cô tặng cháu, khi cần hãy sử dụng theo hướng dẫn. Nhớ chia cho đồng đội nhé!”. Không ngủ được, chị trở dậy, khoác thêm chiếc áo, quàng khăn ấm, khẽ mở cửa bước ra ngoài. Nhìn lên Đài Chỉ huy, thấy người lính bồng súng đứng gác trong đêm, chị thầm nghĩ “Chỉ có sức mạnh của niềm tin mới cho chiến sĩ ta sự vững vàng đến thế!”.

Những hình ảnh, những việc làm của các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng, nhân dân, nhất là phụ nữ và trẻ em ở miền biên cương hẻo lánh, những bản làng vùng biên giới đã rung động trái tim chị. Bởi vậy, ngoài cố gắng làm tròn trách nhiệm của một người Tổng Giám đốc lo lắng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, lo cho đời sống việc làm của hàng trăm cán bộ, công nhân, chị luôn quan tâm đến các hoạt động xã hội, coi việc làm thiện nguyện như hành động tất yếu. Nhiều năm liên tục, chị Đoàn Thị Kim Quy luôn gắn bó cùng Hội LH PN tỉnh Phú Thọ trong các hoạt động xã hội, đặc biệt là trong chương trình “Đồng hành cùng Phụ nữ Biên cương” cũng như chương trình “Vận động Phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh Biên giới”. Ba năm liền, trong mỗi chuyến đi, chị mang theo tấm lòng của hàng trăm cán bộ, công nhân Cấp nước Phú Thọ với số tiền từ 50 triệu đồng, có khi hàng trăm triệu đồng để trao tặng cho bộ đội Biên phòng, cho nhân dân, phụ nữ, trẻ em miền biên cương; hỗ trợ các mô hình nuôi dê sinh sản, nuôi bò thương phẩm, đồ dùng thiết bị dạy học, trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra biên giới, nhằm chia sẻ một phần cho bộ đội và bà con bảo đảm đời sống, xóa đói giảm nghèo, tiến tới giữ vững chủ quyền an ninh, bảo vệ vững chắc lãnh thổ của Tổ quốc. Bản thân chị, mỗi khi gặp cảnh đời éo le nào đó trong chặng hành trình là không ngần bỏ tiền túi ra vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu tặng cho bà con dân bản, thầy cô giáo khi họ đang rất cần những tấm chân tình như thế. Không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất cho đồng bào và chiến sĩ biên cương, chị Quy còn là người đi đầu trong mọi hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào nâng cao ý thức cảnh giác, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, lôi kéo di cư tự do và truyền đạo trái pháp luật; tuyên truyền về hôn nhân cận huyết thống, phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em... tích cực làm kinh tế, xây dựng nông thôn phát triển bền vững, đoàn kết gắn bó với các lực lượng vũ trang, trong đó có bộ đội Biên phòng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới đồng thời giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tích cực đấu tranh chống lấn chiếm đường biên, bài trừ các hủ tục lạc hậu trong đồng bào. 11 “Mái ấm biên cương”, “Mái ấm tình thương”, “Nhà tình nghĩa” cho đồng bào khó khăn, hội viên phụ nữ nghèo đơn thân, gia đình chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn… có giá trị gần 2 tỷ đồng đã được chị và Ban Giám đốc cũng như cán bộ, công nhân của Công ty đóng góp xây dựng trong 3 năm gần đây đã góp phần tạo dựng một cuộc sống mới an bình, hạnh phúc cho đồng bào, chiến sĩ nơi biên giới xa xôi.
Nắm giữ trọng trách cao trong doanh nghiệp, luôn phải toàn tâm, toàn ý trong việc định hướng và chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của đơn vị, tưởng như khô khan, sắt đá, nhưng không, trái tim của người phụ nữ ấy luôn thổn thức trước những nỗi đau, sự mất mát, thiệt thòi của mỗi phận người trong xã hội. Không tính toán, nơi đâu cần là chị có mặt, cả vật chất lẫn tinh thần không so đo nhiều ít. Sâu trong tâm khảm, Chị Đoàn Thị Kim Quy luôn nhắc mình “Nếu có thể, hãy làm nhiều hơn nữa!” và chị luôn sẵn sàng vì cuộc sống bình yên mà sẻ chia những gì mình có. Nghĩa cử cần phải được sẻ chia và lan tỏa, đó là việc mà chị đã và sẽ đồng hành khi trái tim lên tiếng!

Hội LHPN Tỉnh Phú Thọ




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 39
  •   Tổng truy cập: 3418985