PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Chăm lo đời sống cho lao động nữ trong các doanh nghiệp may mặc

28/05/2020 8:30:17 SA

may-kinhte-1590626289
Nhiều doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho lao động nữ, góp phần nâng cao năng suất lao động.

 

Do đặc thù nên ngành dệt may ở Việt Nam có số lao động nữ chiếm đại đa số trong các doanh nghiệp. Nhờ có các thế mạnh như tay nghề, chịu khó, cẩn thận, tỉ mỉ và tính kỷ luật…, lao động nữ đã có những đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của các doanh nghiệp. Ở tỉnh ta, để gắn kết lao động với doanh nghiệp cũng như chăm lo đời sống cho lao động, nhiều doanh nghiệp không chỉ có các chính sách riêng cho lao động nữ mà còn tạo điều kiện cho họ học tập, thăng tiến.

 

Chăm lo đời sống lao động nữ

 

Chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lao động toàn tỉnh, lao động nữ hiện có mặt ở hầu khắp các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, tổ chức công đoàn tại mỗi doanh nghiệp, đơn vị đã quan tâm sát sao đến việc cải thiện điều kiện làm việc, giải quyết những khó khăn, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho lao động nữ. Hơn 4 năm công tác tại Chi nhánh Công ty cổ phần may Sông Hồng, Nhà máy may số 6, Cụm công nghiệp thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập, chị Hoàng Thị Thanh, công nhân chuyền 9 phải cố gắng hơn nhiều so với đồng nghiệp vì hoàn cảnh gia đình. Những năm gần đây, chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo, gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai người phụ nữ bé nhỏ. Cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương bình quân 5 triệu đồng/tháng của chị. Thấu hiểu hoàn cảnh của chị, các đồng nghiệp cùng chuyền với chị Thanh thường xuyên thăm hỏi, động viên và giúp đỡ. Đặc biệt, tổ chức Công đoàn nhà máy đã dành cho chị sự quan tâm chu đáo cả về tinh thần và vật chất, nhất là vào các dịp lễ, Tết, Tháng công nhân, giúp chị vơi đi những khó khăn.

Không chỉ có chị Thanh, chị Nguyễn Thị Loan, công nhân Công ty TNHH Seshin Việt Nam cũng có hoàn cảnh khó khăn, chị chia sẻ: Tôi vào làm việc tại công ty trên 10 năm, chồng mất sớm, một mình nuôi dạy 2 con nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn. Tuy nhiên, tôi luôn được công ty và tổ chức công đoàn luôn tạo điều kiện làm việc tốt nhất, các chế độ, quyền lợi đều được đảm bảo đầy đủ. Ở công ty, không chỉ có tôi mà các công nhân khác có hoàn cảnh khó khăn đều được công đoàn quan tâm, giúp đỡ do vậy tôi yên tâm gắn bó lâu dài với công ty.

Trao đổi với chị Vũ Thị Hương - Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty CP may Sông Hồng, nhà máy may số 6, Chủ tịch Công đoàn nhà máy, chúng tôi được biết: Đối với nhà máy may số 6, cùng với đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, tổ chức công đoàn còn đặc biệt quan tâm đến đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, nhất là những lao động nữ, lao động có hoàn cảnh khó khăn. Hiện công đoàn nhà máy có gần 500 đoàn viên công đoàn, trong đó 80% là lao động nữ. Với đặc thù công việc đòi hỏi sự cần cù, chịu khó nên cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, công đoàn còn phát động các phong trào thi đua, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động…

Việc quan tâm chăm lo cho công nhân lao động nữ trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may có hoàn cảnh khó khăn giúp họ yên tâm gắn bó lâu dài với công ty. Nhiều doanh nghiệp đã tạo điều kiện để lao động nữ được học tập bồi dưỡng tham gia các hội đoàn thể, bồi dưỡng kết nạp Đảng…

 

may1-kinhte-1590626302
Với đặc thù công việc đòi hỏi sự cần cù, chịu khó, tổ chức công đoàn Chi nhánh Công ty CP may Sông Hồng, Nhà máy may số 6, Cụm công nghiệp thị trấn Yên Lập luôn động viên, quan tâm, chăm lo đời sống cho lao động nữ.

Công đoàn và doanh nghiệp chung tay

 

Những năm qua, với sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, lĩnh vực may mặc ở nhiều địa phương trong tỉnh có sự khởi sắc với việc hình thành các khu, cụm công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút lượng lớn lao động nữ, góp phần làm cho tỷ lệ lao động nữ vào làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị ngày càng tăng. 

Thấu hiểu những khó khăn của lao động nữ khi tham gia lao động, sản xuất trong lĩnh vực may mặc đòi hỏi sự chuyên môn, chuyên nghiệp hóa cao, các tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp, đơn vị đã quan tâm sát sao đến việc động viên, chăm lo đời sống cho lao động nữ để họ yên tâm công tác, hoàn thành tốt vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Ban nữ công Công đoàn cơ sở đã thường xuyên quan tâm, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nữ đoàn viên công đoàn, giải quyết kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc của lao động nữ về các vấn đề chế độ, chính sách dành cho lao động nữ trong việc nghỉ chế độ thai sản, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, mức lương, thưởng khi làm thêm giờ… 

Tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh, nơi mà tỷ lệ lao động nữ vào làm việc khá cao, các cấp công đoàn còn quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn để lao động nữ đáp ứng được các điều kiện làm việc. Xác định đối tượng lao động nữ vào làm việc tại các khu, cụm công nghiệp phần lớn đều xuất thân từ lao động nông nghiệp, chưa quen với tác phong làm việc công nghiệp, nên cùng với tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mỗi lao động, các tổ chức công đoàn còn mở các lớp tập huấn, giới thiệu quy định của Bộ luật lao động, quyền, nghĩa vụ… để người lao động nắm bắt được và chấp hành tốt. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp còn tích cực tham mưu cho chủ doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với lao động nữ, quan tâm cải thiện các điều kiện làm việc cho lao động nữ…

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong các doanh nghiệp may mặc ngoài các chế độ theo luật và các quy định của Nhà nước liên quan đến chế độ, quyền lợi của người lao động, người lao động còn được hưởng thêm một số chế độ như: Hỗ trợ đi lại; nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi; lao động nữ đang mang thai từ 7 tháng trở lên; hỗ trợ đột xuất khi người lao động khó khăn; được bố trí suất ăn trưa, khám sức khỏe miễn phí… Việc quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ đã góp phần tạo sự khích lệ, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, giúp họ yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Đức Sinh - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh cho biết: Để chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ nói chung, lao động nữ trong ngành may mặc nói riêng, các công đoàn cơ sở đã chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống, việc làm của CNVCLĐ, gia đình CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn để thăm hỏi động viên, giải quyết kịp thời những vướng mắc, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa công nhân lao động với doanh nghiệp. Công đoàn tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ; chủ động tham gia thương lượng, xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi hơn cho lao động nữ... Nhờ vậy, đã hạn chế tình trạng vi phạm các chế độ chính sách đối với người lao động nhất là với lao động nữ.

Nguồn: Báo Phú Thọ điện tử




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 51
  •   Tổng truy cập: 3413645