PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

“Điểm tựa” để phụ nữ phát triển kinh tế

30/08/2017 9:53:18 SA

 img6775-1503881675


Nhờ được vay vốn ngân hàng và sự giúp đỡ của Hội LHPN các cấp đến nay gia đình chị Nguyễn Thị Minh ở khu 7, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông đã thoát nghèo và có kinh tế khá.

Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã xác định giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên chỉ đạo. Những năm qua, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh bằng nhiều phong trào thi đua thiết thực, nhiều giải pháp sáng tạo đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nhờ có “điểm tựa” vững chắc, nhiều hội viên phụ nữ đã từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng,  tiến bộ, hạnh phúc. 

Những năm trước đây, gia đình chị Bùi Thị Thương ở khu 9, xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê còn gặp nhiều khó khăn nên vợ chồng chị phải đi làm ăn xa để cải thiện cuộc sống nhưng thu nhập cũng không mấy ổn định. Một lần tình cờ về quê  Thái Bình thấy rất nhiều xưởng may tư nhân được mở ra tạo việc làm cho nhiều lao động là chị em phụ nữ, chị Thương đã nhen nhóm ý tưởng mở một xưởng may tại xã nhà. Đem những trăn trở của mình chia sẻ với chị em trong Hội phụ nữ xã, chị Thương được vay 30 triệu đồng từ nguồn vay xóa đói giảm nghèo của Ngân hàng chính sách xã hội. Cùng với các nguồn vay của chi hội phụ nữ khu dân cư, anh em bạn bè, chị Thương có được số vốn 200 triệu đồng để đầu tư mua máy móc, tuyển công nhân may. Sản phẩm của chị là làm gia công cho các cơ sở may, các nhà may tư nhân trong và ngoài huyện. Đến nay xưởng may của gia đình chị có 15 máy may, tạo việc làm cho 10 lao động nữ trong xã, thu nhập khoảng trên 3 triệu đồng/người/tháng. Không nhiều "tham vọng” như chị Thương, nhưng chị Nguyễn Thị Minh ở khu 7, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông cũng là một điển hình được tổ chức Hội giúp đỡ và vươn lên thoát nghèo thành công. Là một trong những hộ nghèo của xã nhưng bằng sự chịu khó, học hỏi và được Hội LHPN xã giúp đỡ chị đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi lợn, trồng rau màu, trồng hoa nhài, nuôi thả cá đến năm 2014 gia đình chị đã thoát nghèo và kinh tế giờ đây đã khá giả hơn. 

Chị Thương, chị Minh chỉ là hai trong số rất nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã được Hội phụ nữ giúp đỡ về vốn, kiến thức, kinh nghiệm để phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Để thực hiện hiệu quả việc vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm giảm nghèo bền vững, hàng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo lồng ghép với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của phụ nữ và nhu cầu của các đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, các cấp Hội đã tiến hành phân loại hộ nghèo theo từng nguyên nhân để có các giải pháp tác động phù hợp, thiết thực với từng nhóm đối tượng, trong đó vừa chú trọng tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy nội lực, khắc phục tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại, thực hành tiết kiệm vừa vận động hội viên, phụ nữ phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau về vốn, ngày công, khoa học kỹ thuật, bao tiêu đầu ra sản phẩm và kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình… Bên cạnh đó, các cấp Hội còn thường xuyên cập nhật thông tin, chủ động tiếp cận, khai thác các nguồn vốn để hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ tại địa phương. Hiện Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đang quản lý tốt nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội với dư nợ trên 1.000 tỷ đồng cho gần 40.000 hộ vay phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra Hội LHPN tỉnh còn hỗ trợ trên 2.000 thành viên phụ nữ nghèo vay trên 19 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo.

Cùng với các hoạt động giúp phụ nữ về vốn, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ có những tư duy mới, cách làm mới trong lao động, sản xuất, mạnh dạn tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; tập trung khai thác các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các chương trình chuyển giao KHKT, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập. Ngoài ra, hàng năm, các cấp Hội đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề truyền thống, dạy nghề mới về sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; nuôi và phòng trị bệnh cho gà; kỹ thuật nuôi cá nước ngọt; kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; trồng rau an toàn... cho hàng ngàn hội viên. Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với ngành chức năng thành lập các mô hình tổ phụ nữ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển sản xuất góp phần quan trọng vào chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới như Tổ hợp tác: Chăn nuôi vỗ béo bò thịt xã Vĩnh Phú (Phù Ninh), sản xuất và kinh doanh rau an toàn xã Tu Vũ (Thanh Thủy), sản xuất, chế biến chè an toàn xã Lương Sơn (Yên Lập); Tổ liên kết làm nghề mây tre đan tại xã Yên Tập (Cẩm Khê); Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nón lá Sai Nga (Cẩm Khê)... Từ các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế của các cấp Hội phụ nữ đã tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, đã có trên 7.000 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giúp đỡ về vốn, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.

Nguồn: Báo Phú Thọ điện tử




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 51
  •   Tổng truy cập: 3455368