PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Ngày xuân vui Tết trồng cây

02/02/2017 9:52:01 SA

 

Hơn nửa thế kỷ qua, lời phát động Tết trồng cây của Bác Hồ đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, đi vào nếp sống thường nhật của người dân Việt Nam. Tết trồng cây mở đầu cho năm sản xuất mới, tạo động lực cho công tác trồng cây gây rừng sâu rộng trong cả nước, đem lại những lợi ích thiết thực về kinh tế, xã hội và môi trường. Sau mỗi Tết trồng cây, đất nước có thêm hàng trăm triệu cây xanh góp phần điều hòa khí hậu, nhất là trước thực tế biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường như hiện nay.

 

Đồng chí Hoàng Dân Mạc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham gia trồng cây nhân dịp đầu xuân mới

 

Xác định rõ vai trò quan trọng của rừng, những năm qua, Phú Thọ đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển rừng. 20 năm sau tái lập, tỉnh đã huy động hàng trăm tỷ đồng cho công tác trồng và bảo vệ rừng, đã có khoảng 100.000ha rừng được trồng mới tại khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, nâng độ che phủ rừng từ 25% lên trên 50%. Nhiều chính sách hỗ trợ trồng rừng đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình giảm bớt khó khăn, đẩy mạnh đầu tư thâm canh.

 

Là một trong những huyện có diện tích đất đồi rừng lớn của tỉnh với trên 33.000ha đất lâm nghiệp, việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng tại Yên Lập luôn được coi trọng. Từ năm 2011 đến nay, với việc triển khai Đề án bảo vệ và phát triển kinh tế đồi rừng của huyện, người dân Yên Lập đã tích cực bám rừng để phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo. Các loại cây được trồng chủ yếu là cây lấy gỗ, cây nguyên liệu giấy. Không chỉ thu hẹp trong diện tích sẵn có, người dân Yên Lập liên tục tăng gia, phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng mô hình kinh tế trang trại, đồi rừng.

 

Ông Hoàng Văn Cường - Trường phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Giai đoạn 2011 - 2015 vừa qua, phong trào phát triển kinh tế đồirừng đã lan tỏa mạnh mẽ trong các hộ gia đình trên địa bàn. Nhiều hộ đã thoát nghèo, nâng cao thu nhập, xây dựng nhà cửa. Tình trạng đất trống đồi trọc đã giảm hẳn, người dân hiểu hơn ai hết về giá trị của rừng. Mỗi năm Yên Lập trồng mới trên 500ha cây các loại; độ che phủ rừng đạt gần 70%; năng suất rừng trồng tăng 2,5 lần sau 5 năm. Từ đó, huyện đã hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế với những mô hình trang trại chuyên canh cây cảnh, cây ăn quả mang lại hiệu quả cao”.

 

Cũng như huyện Yên Lập, từ chủ trương xã hội hóa nghề rừng, coi trọng mục tiêu phòng hộ môi trường sinh thái kết hợp với phát triển kinh tế, các địa phương trong tỉnh đã huy động mọi nguồn lực tham gia trồng rừng. Công tác phân loại rừng để sản xuất bền vững, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và thực thi đồng quản lý rừng ngày càng đi vào cuộc sống đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng. Trong những năm trở lại đây, nghề rừng đã thu hút nhiều tập thể, hộ nông dân tham gia thông qua chủ trương giao đất, khoán rừng.

 

Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các biện pháp kỹ thuật canh tác mới, thâm canh, bảo vệ động, thực vật rừng, hướng dẫn người trồng rừng về hiện trường trồng rừng, mật độ trồng, kỹ thuật làm đất, cuốc hố, bón phân, trồng cây, lấp hố... đảm bảo cho diện tích rừng sinh trưởng và phát triển tốt. Công nghiệp chế biến được quan tâm phát triển tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động khu vực nông thôn, đồng thời trở thành động lực thu hút hàng ngàn hộ dân nhận đất, nhận rừng, tự vay vốn đầu tư để trồng rừng nguyên liệu. Nhờ đó, quy mô diện tích rừng liên tục tăng, năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng tăng gấp 4 lần sau 20 năm tái lập tỉnh. Đây là kết quả tích cực, góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thủy đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong dịp Tết trồng cây năm 2017 toàn tỉnh sẽ phấn đấu trồng 529 nghìn cây phân tán và 688ha rừng tập trung, tạo đà để trong năm toàn tỉnh hoàn thành kế hoạch trồng 10.295ha rừng sản xuất tập trung, chuyển hóa rừng gỗ lớn, trồng rừng đặc dụng, phòng hộ, trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Thời gian phát động, tổ chức Tết trồng cây kéo dài trong 1 tháng, bắt đầu từ ngày 2/2 đến ngày 2/3. Song song với tổ chức phát động Tết trồng cây, các địa phương, các ngành, đơn vị triển khai kế hoạch trồng cây, trồng rừng năm 2017. Để công tác trồng cây, trồng rừng năm 2017 đạt kết quả cao cần triển khai thực hiện các công tác chuẩn bị đảm bảo ra quân trồng rừng thắng lợi; kịp thời phổ biến và giới thiệu gương người tốt, kinh nghiệm hay, các mô hình trồng rừng đạt hiệu quả kinh tế, các tổ chức, cá nhân điển hình tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế đồi rừng và quản lý bảo vệ tài nguyên rừng để nhân rộng phong trào, học tập, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Những diễn biến phức tạp của khí hậu, thời tiết, thiên tai xảy ra những năm gần đây trên cả nước nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng đặt ra nhiệm vụ cấp bách cho mọi địa phương là tiếp tục đẩy mạnh tổ chức trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Phát động và tổ chức Tết trồng cây và kế hoạch trồng rừng hằng năm không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, điều hòa khí hậu mà còn là dịp để các địa phương, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thay cây có giá trị kinh tế thấp bằng các loại cây trồng có giá trị cao, hình thành các vùng trồng cây hàng hóa theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Nguồn: PhuthoPortal




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 20
  •   Tổng truy cập: 3456140