PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Chung tay vì một thế hệ tương lai

01/06/2018 9:16:40 SA

Không phải ngẫu nhiên mà những ca từ trong bài hát “Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai” lại được nhiều người, nhiều thế hệ thường xuyên nhắc tới. Qua bài hát một thông điệp đã được truyền tải tới mọi người hãy luôn bảo vệ và chăm sóc trẻ em, để các em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, hạnh phúc. Đó cũng chính là mục tiêu mà các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua tích cực thực hiện với nhiều biện pháp nhằm mang lại những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em.

Các em học sinh Trường tiểu học TT Yên Lập, huyện Yên Lập tìm hiểu những kỹ năng tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị xâm hại và mạng xã hội.

Luật Trẻ em 2016 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5-4-2016 tại kỳ họp thứ 11 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2017. Đây là bộ luật ban hành thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 nhằm tạo hành lang pháp lý với những quy định đổi mới về quyền, bổn phận của trẻ em, thúc đẩy việc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền cơ bản của trẻ em. Sau 1 năm Luật Trẻ em đi vào cuộc sống, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến. Với hơn 380.000 trẻ em, chiếm hơn ¼ dân số trong tỉnh, những năm qua, tỉnh đã chủ động ban hành nhiều nghị quyết, chính sách hỗ trợ vì trẻ em, lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội góp phần thực hiện tốt chương trình Quốc gia vì trẻ em. Nhiều hội nghị truyền thông về Luật Trẻ em, phòng tránh bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng tránh tai nạn thương tích được tổ chức thu hút sự quan tâm của hàng ngàn phụ huynh và học sinh.

Ngành LĐ-TB&XH cũng tích cực giới thiệu về đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em thông qua tổng đài Quốc gia về trẻ em 111 để mọi người dân và trẻ em liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, hỗ trợ tư vấn, tố giác hành vi vi phạm quyền trẻ em. 100% huyện, thành, thị đều xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em hàng năm; cam kết thực hiện mùa hè an toàn trong việc quản lý, giám sát trẻ em để giảm thiểu tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Cùng với đó, Sở tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành, thị gắn các chỉ tiêu về trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; lấy kết quả đánh giá: Tỷ suất trẻ em bị xâm hại, bạo lực, mua bán, bắt cóc; tỷ lệ trẻ em được khám sức khỏe tổng quát ít nhất 1 lần trong năm; điểm vui chơi, giải trí và tổ chức hoạt động văn hóa, vui chơi, rèn luyện thể chất cho trẻ em… là tiêu chuẩn để đánh giá công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Đến nay, 274/277 xã, phường, thị trấn được công nhận tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.

Theo kết quả rà soát, đến nay, toàn tỉnh có 4.552 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Nhằm chia sẻ phần nào khó khăn đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ năm 2010 Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh được thành lập với nhiều hoạt động trọng tâm hướng về trẻ em. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã tích cực vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ Quỹ và triển khai các hoạt động hỗ trợ trẻ em.

Tính riêng năm 2017, Quỹ đã vận động các doanh nghiệp hỗ trợ cho 6 trẻ em mổ tim bẩm sinh với số tiền gần 130 triệu đồng; phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức khám sàng lọc miễn phí các bệnh về tim, mắt, môi, miệng cho gần 70 trẻ dưới 16 tuổi; vận động các nhà tài trợ gồm: Công ty Bảo Việt nhân thọ Phú Thọ, Công ty Bảo hiểm AIA... trao tặng cặp sách, xe đạp, học bổng cho trên 700 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các huyện vùng cao như: Tân Sơn, Hạ Hòa, Đoan Hùng với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, Quỹ của tỉnh đã đề nghị Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ xây dựng các công trình phụ trợ cho một số trường học ở huyện Tân Sơn, Yên Lập giúp cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt tại trường cho học sinh vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.

Cùng thực hiện công tác chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, ngoài Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh còn có sự đồng hành của nhiều tổ chức xã hội khác. Được ví như chiếc cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhà hảo tâm, Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đã đem đến cho trẻ em nghèo, trẻ mồ côi không nơi nương tựa cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

Năm 2017, Hội đã vận động 932 cá nhân, tổ chức ủng hộ tiền và hiện vật tổng số trên 6,6 tỷ đồng để chuyển trực tiếp tới những người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có nhiều em là trẻ khuyết tật, mồ côi không nơi nương tựa. Những chiếc xe lăn, xe đạp, suất học bổng là món quà ý nghĩa “Lá lành đùm lá rách” giúp các em nhỏ vươn lên trong cuộc sống. Hay sự sẻ chia, động viên của các cấp Hội Khuyến học, Quỹ khuyến học - khuyến tài Đất Tổ dành cho những học sinh vượt khó học giỏi nhiều năm qua đã trở thành nguồn khích lệ lớn lao, kịp thời giúp hàng ngàn học sinh tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ đến trường, giảm tình trạng trẻ phải bỏ học do gia đình khó khăn.

Các trung tâm bảo trợ trẻ em ở huyện Thanh Ba và thành phố Việt Trì ngoài việc nhận nuôi dưỡng trẻ khuyết tật mồ côi còn thường xuyên phối hợp với các trường có học sinh khuyết tật trên địa bàn tỉnh tổ chức lớp học hòa nhập cho trên 300 em, đồng thời thực hiện phục hồi chức năng, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho trẻ khuyết tật tại gia đình; tổ chức các câu lạc bộ dành cho trẻ khuyết tật, gia đình có trẻ khuyết tật.

Đóng góp chung vào công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em với phương châm dành những gì tốt đẹp nhất để các em có cuộc sống an toàn, không bị xâm hại, không bạo lực học đường còn phải kể đến sự nỗ lực của ngành giáo dục tỉnh. Không chỉ dạy các em kiến thức, các thầy cô giáo ở tất cả bậc học đều quan tâm chăm sóc, rèn luyện thể chất cũng như kỹ năng sống cho học sinh. Việc triển khai mô hình trường học gắn với cuộc sống thông qua các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa ở tất cả cấp học cho thấy mục tiêu mà ngành giáo dục hướng đến đó là sự phát triển toàn diện cho thế hệ tương lai. Sự phối hợp giữa ngành giáo dục và Công an về thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường như: Luật An toàn giao thông đường bộ, Luật Trẻ em, Luật phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội... giúp cung cấp cho các em những kiến thức và kỹ năng cơ bản phòng tránh các tệ nạn, góp phần giảm tình trạng học sinh vi phạm pháp luật và bạo lực học đường. Bên cạnh đó, sự phối hợp liên ngành giữa các ban, ngành, đoàn thể, địa phương với nhà trường trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng góp phần tạo cho các em môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Năm nay, tỉnh ta được Bộ LĐ-TB&XH chọn là nơi tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em cấp Quốc gia. Đây là dịp để các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp và toàn xã hội không ngừng nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em từ đó cùng chung tay hành động vì thế hệ tương lai. Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Kế San đã cam kết với lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục chú trọng, quan tâm hơn nữa tới công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em nhằm tạo điều kiện cho các em được phát triển toàn diện với phương châm dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.

Nguồn: Báo Phú Thọ điện tử




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 1
  •   Tổng truy cập: 3470678