PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Cần kiểm soát tốt dịch lở mồm long móng

11/01/2019 8:13:27 SA

img1918-1547106492
Người dân ở xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng rắc vôi bột khử trùng khu vực chăn nuôi.

Hiện nay, dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn lợn đã xuất hiện ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh với quy mô rải rác. Điều đáng lo ngại là người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ chưa có ý thức phòng, chống, dập dịch. Mặc dù Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với UBND các huyện chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp dập dịch như: Tiêm phòng, phun hóa chất khử trùng tiêu độc, tiêu hủy lợn ốm chết, nhưng ở một số địa phương vẫn còn tình trạng bà con vứt xác lợn chết ra đường, sông, suối, bãi rác, thậm chí có tình trạng lợn từ 50kg trở lên khi mắc bệnh vẫn được người chăn nuôi bán chạy cho các lò mổ tự do.

Tìm hiểu nguyên nhân bệnh dịch lây lan ở nhiều nơi như hiện nay, được biết chủ yếu do nhiều người chăn nuôi nhỏ chủ quan, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không chủ động tiêm phòng để phòng bệnh cho đàn vật nuôi của gia đình. Ông Lê Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã An Đạo, huyện Phù Ninh khẳng định: Trong 2 đợt tiêm phòng 1 và 2 hàng năm, tỷ lệ người chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn xã tiêm phòng các loại vắc xin thấp. Lý do được họ đưa ra là nhà nước hỗ trợ mức chi phí thấp (50% tiền vắc xin), do đó họ không tiêm. Dù chính quyền xã đã phân tích cặn kẽ, vận động nhiều lần nhưng hầu như không có chuyển biến trong nhận thức.

Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao vứt xác lợn chết ra sông, suối, bãi rác, một số hộ dân cho biết: “Để tiêu hủy số lợn chết lớn như vậy, chúng tôi phải thuê máy múc đào hố mới đảm bảo nhưng không có kinh phí và không có nơi chôn lấp. Cứ vứt ra sông cho cá ăn hoặc vứt ra bãi rác cho nó tự phân hủy thôi".


img5576-1547106508
Trạm Kiểm dịch động vật cầu Trung Hà giải thể khiến việc kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, nhất là động vật có nguy cơ mang mầm bệnh qua địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Trong khi các trang trại chăn nuôi lớn, việc tiêm phòng vắc xin được thực hiện đầy đủ, khoa học ngay từ khi lợn còn nhỏ, con giống được cung cấp từ những trại giống lớn, có uy tín thì trái lại, nguồn giống của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chủ yếu là mua trôi nổi hoặc từ nguồn giống bố, mẹ của gia đình, sức đề kháng kém hơn. Ngoài ra, việc mua vắc xin LMLM tại các quầy thuốc thú y hiện nay khá khó khăn. Trước đây, vắc xin LMLM chưa sản xuất được ở trong nước, phải nhập từ nước ngoài, do giá thành đắt nên ngoài các công ty chăn nuôi, chủ yếu là Nhà nước nhập, phục vụ cho chương trình tiêm phòng hàng năm. Gần đây, đã có một số doanh nghiệp trong nước sản xuất được loại vắc xin này nhưng do giá thành cao, các quầy thuốc thú y hầu như chỉ nhập theo đơn đặt hàng của các trang trại, không tích trữ thuốc để bán lẻ. Hơn nữa, vắc xin LMLM được đóng theo tiêu chuẩn 25 liều/lọ, giá bán từ 450.000 đến 500.000 đồng/lọ, nếu không tiêm hết thì phải bỏ khiến các nhiều hộ thấy lãng phí nên không mua tiêm phòng.

Ông Nguyễn Tất Thành - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, công tác kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi hiện nay gặp khó khăn do ý thức của người chăn nuôi còn hạn chế, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Thực tế vừa qua cũng cho thấy, lợn nhiễm bệnh LMLM chủ yếu tại các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, còn các trang trại lớn tiêm phòng vắc xin đầy đủ thì không hề bị ảnh hưởng gì. Trong thời gian tới, nếu người dân vẫn chủ quan, không tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, không chấp hành các quy định trong xử lý gia súc bị bệnh thì cơ quan quản lý Nhà nước có cố gắng đến đâu cũng không thể ngăn chặn dịch bệnh lây lan và thiệt hại thì chính người chăn nuôi sẽ phải gánh chịu.

Một nguyên nhân khác khiến bệnh dịch lây lan mà không được kiểm soát là việc kiểm dịch gia súc ra vào tỉnh gặp khó khăn sau khi giải thể các trạm kiểm dịch. Do vậy, một số sản phẩm động vật, động vật cũng được miễn kiểm dịch khiến cho nguy cơ lây bệnh từ vùng có dịch sang vùng an toàn càng cao.


20190108092440-1547106521
Tại huyện Phù Ninh, xác lợn chết được người dân cho vào bao tải vứt dọc đường là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan.

Chủ một số trang trại chăn nuôi lớn và quản lý một số công ty chăn nuôi ở huyện Tam Nông cho biết: “Chúng tôi rất đồng tình với việc cắt giảm thủ tục hành chính trong kiểm dịch nhưng không thể bãi bỏ kiểm dịch. Ở các nước phát triển, công tác kiểm dịch được coi trọng, sản phẩm từ chăn nuôi bắt buộc phải được kiểm dịch đầy đủ trước khi đưa ra thị trường... Nhất là hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát, chưa có thuốc đặc trị và nguy cơ lây lan vào Việt Nam là cực kỳ lớn nếu bãi bỏ kiểm dịch.”

Những năm 2011, 2012, dịch tai xanh và LMLM bùng phát diện rộng trên địa bàn tỉnh, tỉnh đã phải thành lập rất nhiều chốt kiểm dịch tại các huyện để ngăn chặn tình trạng bán chạy, bán trộm lợn ốm, chết. Vài năm gần đây, dù chăn nuôi của tỉnh có xuất hiện dịch bệnh nhưng hầu hết ở quy mô nhỏ và được giải quyết kịp thời nên dẫn đến tình trạng chủ quan trong người chăn nuôi nhỏ lẻ, khiến nguy cơ lây lan bệnh dễ xảy ra.

Vì vậy, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành việc tiêm phòng; đẩy mạnh công tác quản lý giết mổ; kiên quyết không cho nhập lợn không có giấy chứng nhận tiêm phòng đủ thời gian cách ly. Quan trọng nhất, trước mắt cần hỗ trợ người chăn nuôi kinh phí tiêu hủy lợn chết; tiêm vét vắc xin LMLM; cấp hóa chất phun khử trùng tiêu độc cho các địa phương đang bị dịch bệnh.

Nguồn: Báo Phú Thọ điện tử




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 28
  •   Tổng truy cập: 3465675