PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp

19/05/2018 1:55:45 CH


Tổ phụ nữ liên kết làm nghề đan lát thủ công tại khu 6, xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê duy trì từ nhiều năm nay, tạo việc làm thêm cho hàng chục phụ nữ trong khu với thu nhập trung bình 2 triệu đồng/người/tháng.

Những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã chủ động phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo Hội LHPN các cấp, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường một cách thiết thực, đạt hiệu quả cao trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ. Có thể nói các phong trào phát triển kinh tế của hội viên Hội phụ nữ đã có đóng góp không nhỏ vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh. Nhiều tấm gương phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi không chỉ mang lại lợi ích cho xã hội mà còn tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thúc đẩy các phong trào thi đua vượt khó, làm giàu. Đó là các chị: Đinh Thị Thức - Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Phong - Ủy viên BCH Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu, có lợi nhuận kinh doanh sau thuế bình quân gần 5 tỷ đồng/năm; chị Đào Kim Chuyên - người nhận Bảng vàng Doanh nhân Văn hóa tiêu biểu Asean 2017, Giám đốc công ty TNHH Đầu tư Giáo dục và Tài chính Kế toán ASIA, một công ty kinh doanh đa ngành nghề, trọng tâm là đầu tư kinh doanh thiết bị trường học và tư vấn tài chính kế toán có lợi nhuận trung bình 3,5 tỷ đồng/năm; chị Nguyễn Thị Thắm, khu 9 xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì là người tiên phong trong hiện thực hóa ý tưởng về sản xuất mỳ gạo sạch nghề truyền thống của địa phương với năng suất 30 tấn gạo/tháng, đạt doanh thu 2,8 tỷ đồng/năm, giải quyết cho 20 lao động (trong đó có 15 lao động nữ) có thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng/người; chị Nguyễn Thị Hiền, khu 6, xã Phượng Vỹ, huyện Cẩm Khê thoát khỏi diện nghèo nhờ chăn nuôi tổng hợp kết hợp với làm dịch vụ xay xát và kinh doanh hàng tạp hóa cho thu nhập mỗi năm khoảng 135 triệu đồng. Chị Hiền được Hội LHPN xã biểu dương gương điển hình phụ nữ công giáo vươn lên thoát nghèo làm kinh tế giỏi để nhân rộng. Chị Đinh Thị Thọ - Khu Thống Nhất 4, xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập là hội viên dân tộc Mường, từ một gia đình khó khăn trong diện hộ nghèo chị đã vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi với 7ha chè, 100 cây cam và cây bưởi Diễn, nuôi 5-10 bò nái sinh sản, giải quyết việc làm cho 5-7 lao động thường xuyên, thu nhập đạt 300 triệu đồng/năm... Hầu như ở địa phương nào từ thành phố đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, ở đâu cũng đều có những điển hình phụ nữ không ngừng vượt khó vươn lên, làm giàu chính đáng, có tấm lòng nhân hậu, quan tâm đến lợi ích xã hội, cộng đồng.

Đồng hành cùng hội viên, tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, Hội LHPN đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho phụ nữ, gắn kết chặt chẽ với việc giới thiệu, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nữ. Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh, các huyện, thành, thị đã nắm bắt nhu cầu thị trường lao động, tuyên truyền, tư vấn học nghề, liên kết dạy nghề mới, nghề truyền thống, nghề phi nông nghiệp, xây dựng mô hình giải quyết việc làm tại chỗ sau học nghề. Trong 5 năm, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức được 642 lớp dạy nghề cho 22.793 lao động nữ; tỷ lệ phụ nữ sau dạy nghề có việc làm, thu nhập ổn định chiếm 85%. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, thực hiện giảm nghèo bền vững cũng được các cấp Hội triển khai sâu rộng với nhiều giải pháp cụ thể, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ nhiệt tình tham gia. Xuất phát từ nhu cầu, ý tưởng khởi nghiệp của hội viên phụ nữ, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương thành lập mới 4 Hợp tác xã gồm: Hợp tác xã “Thu gom xử lý rác thải” tại Ngọc Lập (Yên Lập); Hợp tác xã “Sản xuất và dịch vụ nón lá Sai Nga” tại xã Sai Nga (Cẩm Khê); HTX nông nghiệp và môi trường Xuân Viên (Yên Lập); HTX dịch vụ tổng hợp Vân Sơn, Kim Thượng (Tân Sơn); thành lập và duy trì hiệu quả 37 tổ hợp tác, 118 tổ/nhóm liên kết chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề; chỉ đạo xây dựng và duy trì hiệu quả 136 mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Để giúp chị em mạnh dạn, tự tin phát triển kinh tế, kinh doanh và khởi nghiệp, các cấp Hội đã vận động, khai thác và quản lý các nguồn vốn vay với dư nợ hiện có trên 1 ngàn tỷ đồng cho trên 131.377 hộ phụ nữ vay phát triển sản xuất, kinh doanh.

Các cấp Hội còn đặc biệt quan tâm tổ chức các hoạt động giúp phụ nữ nghèo thoát nghèo bằng những giải pháp cụ thể: Tổ chức rà soát, phân loại hộ nghèo, lập hệ thống sổ sách theo dõi; phát động phong trào thi đua “Làm theo lời Bác, phụ nữ thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”. Với nhiều mô hình tiết kiệm như: Tiết kiệm tại các chi hội, các tổ; mô hình “nuôi lợn nhựa khuyến học, khuyến tài”, trong 5 năm các cấp Hội đã trực tiếp giúp đỡ được 10.237 hộ phụ nữ nghèo (trong đó 4.155 hộ thoát nghèo bền vững) và hỗ trợ xây dựng 189 “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 12,52% (năm 2013 - theo tiêu chí cũ) xuống còn 8,9% (năm 2017 - theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều).

Để tiếp tục tạo nên sức mạnh tổng thể khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh, hiện thực hóa Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành thì các cấp Hội phụ nữ cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp; thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế -văn hóa xã hội trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm huy động nội lực của các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh giúp nhau khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo. Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tiếp cận các dịch vụ, nguồn lực, tăng cường khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, nguồn Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo của tỉnh; tổ chức các hoạt động tôn vinh, bình chọn và nhân rộng các ý tưởng, mô hình kinh doanh, khởi nghiệp thành công. Đối với hội viên phụ nữ, cần chủ động tích cực học hỏi, tự tin đổi mới, chấp nhận sự thay đổi để tạo ra sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường và an toàn sức khỏe cho cộng đồng.
 

Nguồn: Báo Phú Thọ




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 31
  •   Tổng truy cập: 3448715