PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Thầy thuốc trẻ tận tụy với người dân bản làng

24/11/2016 10:33:31 SA

         17 năm làm công tác y tế ở địa bàn vùng cao, y sĩ Đinh Thị Kim Thoa, Trưởng trạm y tế xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn trải qua không ít khó khăn, gian khổ nhưng vẫn dành trọn tâm huyết để hoàn thành nhiệm vụ với lương tâm của người thầy thuốc như mẹ hiền.

Thầy thuốc Đinh Thị Kim Thoa chăm sóc cây thuốc nam.

Thầy thuốc Đinh Thị Kim Thoa chăm sóc cây thuốc nam.

Ngay từ thuở bé, chị Thoa đã ước mơ trở thành bác sĩ để cứu giúp mọi người. Tốt nghiệp trung học phổ thông, chị đăng ký học trường Y Phú Thọ theo chế độ ưu tiên đồng bào dân tộc. Sau khi ra trường, chị trở về quê hương và trở thành thầy thuốc trẻ bám bản tại Trạm y tế xã Hương Cần, một xã khó khăn của huyện Thanh Sơn.

Chị Thoa chia sẻ: “ Tôi không bao giờ quên kỷ niệm của buổi đầu mới nhận công tác. Đó là những ngày giáp Tết năm 1996, tôi nhận được thông tin từ người dân có sản phụ đang tới Trạm y tế xã để sinh con nhưng do đường đi khó khăn nên không thể đưa đến Trạm y tế xã được. Tôi lập tức cùng đồng nghiệp mang những vật dụng cần thiết lên đường đi đỡ đẻ. Lúc đó tôi rất lúng túng vì tình huống cấp bách và địa điểm diễn ra ngay ngoài đường. Chỉ đến khi cháu bé lọt lòng tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm.”

Là xã chủ yếu là người dân tộc sinh sống, kể lại những tháng ngày mới tiếp cận với bà con dân bản, y sĩ trẻ vẫn còn bùi ngùi: “Trước đây, cuộc sống của bà con dân tộc chủ yếu là du canh du cư, nhiều hủ tục đã ăn sâu vào tiềm thức. Những cán bộ y tế trẻ tuổi, non kinh nghiệm như tôi khi ấy thực sự bước vào cuộc đấu tranh giành giật lại mạng sống cho người dân trước những hủ tục mê tín dị đoan. Đồng bào dân tộc ốm đau, bệnh tật có nằm liệt giường thì cũng chỉ có niềm tin duy nhất “do con ma rừng gây ra”. Không tin vào thầy thuốc, họ nghĩ đến thầy mo thầy cúng đầu tiên mỗi khi có bệnh, tốn không ít tiền sắm sửa lễ vật, trả công cho thầy cúng “đuổi ma rừng”.

Có vận động khéo léo thế nào dân cũng không nghe, họ gửi trọn niềm tin vào thầy cúng. Không bỏ cuộc, chị Thoa cùng đồng nghiệp đến từng nhà có người ốm nặng. Đó là những trường hợp thầy cúng thầy mo cũng “bó tay” rồi, vì cúng lễ mãi người bệnh không khỏi. Để cứu sống người thân, gia đình đành cho đưa đến trạm y tế xã chạy chữa, điều trị đến khi hết bệnh. Bằng những ca bệnh cụ thể như thế, chị Thoa kiên nhẫn, từng bước gây dựng được niềm tin của đồng bào dân tộc vào thầy thuốc.

Khó khăn là vậy, nhưng với quyết tâm cao, thầy thuốc Đinh Thị Kim Thoa cùng các đồng nghiệp đã kiên trì thuyết phục, vận động, vừa nói, vừa thực hành để bà con làm theo. Dần dần, bà con gần gũi, thân mật hơn và bắt đầu làm theo hướng dẫn của cán bộ y tế xã, từ đó, mối quan hệ của người dân tộc với thầy thuốc càng gắn bó hơn.

Đến nay, chị Thoa cùng đội ngũ y sỹ của Trạm phối hợp với 16 nhân viên y tế thôn bản ở các khu dân cư thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, tích cực phòng, chống dịch theo mùa, dịch tiêu chảy cấp, phòng, chống thiên tai, bão lũ... phòng, chống HIV/AIDS, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại gia đình và cộng đồng… hơn chục năm không có bệnh dịch lớn xảy ra trên địa bàn xã.

Nhờ những đóng góp đó, chị Thoa nhiều năm liền được Sở Y tế tặng giấy khen. Năm 2015, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đinh Thị Kim Thoa được công nhận Thầy thuốc trẻ tiêu biểu công tác tại các xã nghèo. Đây là động lực để đội ngũ thầy thuốc phục vụ hết mình vì sức khỏe người dân, để người dân có điều kiện được tiếp cận và hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ có chất lượng, mọi người đều được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần.

Nguồn: Báo Phú Thọ điện tử




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 27
  •   Tổng truy cập: 3416686