PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Tạo việc làm cho lao động nữ

14/12/2021 10:46:09 SA

Các khu cụm công nghiệp góp phần giải quyết việc làm cho NLĐ, đặc biệt là lao động nữ ở các địa phương


Nhằm tăng cường giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ), trong đó có lao động nữ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra các mục tiêu cụ thể như: Bình quân mỗi năm tạo việc làm tăng thêm từ 15 - 16 nghìn lao động; đến năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%; giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 0,4%/năm; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Năm 2021, toàn tỉnh có 16,6 nghìn NLĐ được tạo việc làm mới, trong đó tỉ lệ lao động nữ chiếm khoảng 48%, tương đương với gần 8 nghìn người. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để đạt được kết quả trên, các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với chỉ tiêu tạo việc làm, đặc biệt ưu tiên sử dụng lao động của địa phương, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, thực hiện giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu của người sử dụng lao động, nhu cầu nhân lực của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động. Huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm, nguồn vốn ủy thác của địa phương cho vay giải quyết việc làm.  Tại huyện Thanh Sơn, giai đoạn 2016-2020, huyện đã tổ chức 24 lớp đào tạo nghề cho 803 lao động nông thôn. Từ năm 2010 đến 2020, toàn huyện đã thực hiện 10 cuộc khảo sát trên 22 xã, tư vấn học nghề cho 26.700 lao động. Qua đó phản ánh đúng nhu cầu học nghề của người lao động, xác định được các nghề đào tạo phù hợp, đồng thời dự báo được nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng lao động của địa phương. Chị Lỗ Thị Quỳnh Nga – Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Sơn cho biết: Thời gian qua, Hội tập trung tuyên truyền các chị em tham gia những những mô hình xây dựng tổ, nhóm liên kết giúp nhau phát triển kinh tế như nuôi gà thịt thương phẩm, sản phẩm thịt chua, bưởi Diễn… đang là hướng đi đúng và trúng cho mục tiêu tạo việc làm, thu nhập ổn định đối với phụ nữ khu vực miền núi. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục thẩm định quản lý giải ngân vốn “Quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” với số tiền 120 triệu đồng cho 14  hộ vay hỗ trợ đầu tư sản xuất, khởi nghiệp kinh doanh, qua đó tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động nữ tại địa phương.

Từ nguồn vốn vay từ mô hình liên kết, chị Phùng Thị Vọng, khu Vạch, xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn đầu tư chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập ổn định.

Bà Nguyễn Hiển Ngọc - Trưởng phòng Việc làm, An toàn lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay, tỉnh đang tập trung huy động hiệu quả các nguồn lực, thu hút các dự án, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, từ đó mở rộng thị trường việc làm cho lao động. Bên cạnh các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động, giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút đầu tư vào các khu cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Tam Nông, Hạ Hoà, Phù Ninh. Đây sẽ là nơi thu hút và giải quyết việc làm rất lớn cho NLĐ, đặc biệt là lao động nữ ở các địa phương. Năm 2022, ngành Lao động,Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm để NLĐ sớm quay lại thị trường lao động; giới thiệu hoặc cung ứng lao động tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục thiếu hụt lao động, ổn định sản xuất kinh doanh. Phấn đấu năm 2022, tạo việc làm tăng thêm từ 15.000 - 16.000 người, trong đó duy trì tỉ lệ lao động nữ chiếm khoảng 50%.

 

Nguồn: Báo Phú Thọ



Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 22
  •   Tổng truy cập: 3416365