PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Nữ tình báo có bí số 4B, J12

19/07/2017 8:10:40 SA

 

 

Nữ tình báo có bí số 4B, J12 chính là bà Thu Nga bí danh Út Huyền, Cúc. Cuộc đời của bà là những năm tháng hoạt động cách mạng với tinh thần kiên trung, sẵn sàng hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc, bất khuất trước kẻ thù.

 

Bà Trịnh Thu Nga sinh năm 1938 tại Mỏ Cày, Bến Tre, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha là ông Trịnh Văn Mai, thành viên của Thiên địa hội thời Pháp từng bị địch bắt nhiều lần. Là con gái út trong gia đình có 12 người con nên bà Nga được gia đình yêu thương và cho ăn học nhiều hơn các anh chị. Năm 1954 thi đỗ tú tài 1, xinh đẹp, tràn đầy ước mơ, bà xin vào làm kế toán trong một hãng tư nhân Pháp. Một thời gian sau bà được các anh gợi ý đi học tốc ký, hoàn thành khoá học, nhờ mối quan hệ của anh rể nên bà được vào làm “Tốc ký nghị trường” của Quốc hội ngụy. Nhiệm vụ ghi lại nguyên văn các cuộc họp, thảo luận ở quốc hội về: Kế hoạch, ngân sách dành cho chiến tranh, các đối sách, kế hoạch hành quân, đàn áp cách mạng...

Là người con gái Việt yêu nước, giác ngộ lý tưởng cách mạng, bà trở thành mắt xích trong đường dây tình báo với bí danh Út Huyền, Cúc; bí số 4B, J12. Thông qua bà, nhiều tin tức bí mật, có ích cho cách mạng đã được truyền đến Khu ủy. Bà vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Tháng 12/1968, trong một lần đi làm nhiệm vụ gửi tài liệu về Khu uỷ, bà Nga bị mật vụ theo dõi và bị bắt. Chúng đưa bà về Cục An ninh Quân đội ngụy. Tại đây, bà bị tra tấn dã man bằng roi điện cặp vào hai đầu vú, mười đầu ngón tay… Hết tra tấn, chúng lại nhốt bà vào thùng phi đen phơi nắng giữ trưa. Dưới cái nắng như thiêu như đốt, chiếc thùng thiếc nóng khủng khiếp, người bị bỏng rộp, bà ngất xỉu, chúng dội nước cho tỉnh dậy rồi tiếp tục những đòn tra tấn mới. Tháng 4/1969, bà bị đưa về Tổng nha để điều tra thẩm vấn, mỗi ngày 2 lần sáng - chiều chúng bắt bà làm bản khai, mỗi cái lắc đầu của bà là những đòn dùi cui từ trên đầu, trên lưng bổ xuống. Với tấm lòng kiên trung của người đảng viên, bà nhất quyết giữ khí tiết, không đầu hàng địch. Trong vòng 7 năm, bà bị đày đi khắp các nhà tù Thủ Đức, Chí Hoà, Tân Hiệp, Côn Đảo… Trong tù, bà Thu Nga đã thêu tấm khăn lưu lại những địa điểm, ngày tháng bị đày đi các nhà tù Mỹ - Nguỵ.

Bà Nga không thể quên những cực hình tàn khốc, bị đày đoạ trong những nhà tù được xem là “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Đó là những ngày “Chuồng cọp” nóng như thiêu đốt vào ban ngày, buốt lạnh vào ban đêm, những lần địch đàn áp, đổ vôi bột xuống những người phụ nữ gầy gò nhỏ bé, thức ăn là cơm trộn với cát và mắm ruốc,… Vượt lên trên hết, cô gái Sài Gòn ấy đã cùng chị em kiên cường đấu tranh, chống chào cờ, không vào trại ly khai, tuyệt thực phản đối chế độ nhà tù vô nhân đạo…

Từ Côn Đảo bà bị đưa vào đất liền, giam cầm tại nhà tù Chí Hoà. Tại đây, bà cùng chị em đấu tranh chống bị đày ra Côn Đảo lần 2. Vì không chịu đi nên chúng đánh đập, lôi và ném các nữ tù ra xe rồi đẩy xuống tàu. Máu và nước mắt đã đổ dài trên những chặng đường đi đày của bà … Ngày 2/8/1972, bà bị đưa về đất liền giam cầm trong nhà tù Tân Hiệp cho đến năm 1975. Trong nhà giam, bà Thu Nga cùng những người bạn tù luôn lắng nghe tin chiến sự từ chiếc radio của bà Phan Thị Tốt, động viên nhau cùng vượt qua những ngày tháng giam cầm khổ ải.

Năm 1975, trước khi thua trận, địch dự định gài lựu đạn giết chết các tù nhân. Trưa ngày 29/4/1975, với sự giúp đỡ của các nhân viên trật tự có cảm tình với cách mạng, bà Nga và các nữ tù khác tự phá cửa nhà giam ra ngoài.

Sau chiến tranh, di chứng những ngón đòn tra tấn trong các nhà tù Mỹ- Nguỵ đã huỷ hoại sức khoẻ của bà Thu Nga với thương tật 2/4 nhưng bà vẫn không ngừng nỗ lực vượt qua. Làm kế toán tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, bà tham gia học tập nâng cao trình độ và đến năm 1989, bà được đề bạt làm Giám đốc bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu năm 1995.

Về nghỉ chế độ nhưng bà Nga vẫn tích cực, trách nhiệm tham gia hoạt động các tổ chức, đoàn thể như: Hội Phụ nữ phường; Hội cựu chiến binh; Trưởng Ban liên lạc cựu nữ tù chính trị Côn Đảo; Trưởng Ban hưu trí bảo hiểm xã hội thành phố.

 

 

Nguồn: Trang web Hội LHPN Việt Nam




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 38
  •   Tổng truy cập: 3419839