PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Người giữ gìn vốn cổ

04/05/2017 8:04:28 SA

Theo chân cán bộ UBND xã, chúng tôi về khu Luông, xã Văn Luông, huyện Tân Sơn để gặp gỡ bà Hà Thị Vân, người đã có nhiều năm gắn bó với phong trào xây dựng đời sống văn hóa, góp sức giữ gìn vốn cổ, những nét đẹp truyền thống của quê hương. Bên mái nhà sàn xinh xắn được dùng làm nhà văn hóa chung của khu, chúng tôi được chứng kiến hình ảnh bà đang say mê hướng dẫn đội văn nghệ luyện tập các tiết mục để biểu diễn phục vụ bà con mừng ngày sinh nhật của Bác Hồ.

Bà Hà Thị Vân (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn bà con kỹ thuật biểu diễn cồng chiêng, góp phần giữ gìn vốn cổ của dân tộc.
 Bà Hà Thị Vân (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn bà con kỹ thuật biểu diễn cồng chiêng,
góp phần giữ gìn vốn cổ của dân tộc.


Vừa truyền đạt những kỹ thuật cơ bản trong diễn tấu cồng chiêng, bà vừa giới thiệu với chúng tôi những cái hay, cái đẹp của văn hóa Mường. Bà chia sẻ, là người dân tộc Mường nên bà luôn yêu bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình và tình yêu đó ngày càng thấm sâu vào trong máu thịt của bà. Bởi vậy, bà không chỉ chịu khó sưu tầm, giới thiệu, quảng bá mà còn truyền dạy, vận động mọi người cùng giữ gìn, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa truyền thống quý giá của dân tộc Mường, nhất là tiếng nói, trang phục, các phong tục, tập quán tốt đẹp, các lời ca, điệu múa đặc sắc, hấp dẫn như diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống…

 

Để những nét đẹp văn hóa truyền thống được lưu giữ và có sức sống, lan tỏa trong cộng đồng, bà thường xuyên hướng dẫn bà con luyện tập văn nghệ, tham gia biểu diễn trong các dịp lễ Tết, hội làng, các sự kiện chính trị, không chỉ trong khu, trong xã mà còn giao lưu với các đơn vị bạn, nhất là trong dịp Giổ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm. Theo bà, hiện nay ở khu Luông đã có một “bảo tàng sống” về những giá trị văn hóa cổ như mái nhà sàn, các trang phục, nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Mường, các lễ hội độc đáo và đặc biệt là đội ngũ các cụ cao tuổi hiểu rõ giá trị, nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đang nỗ lực phổ biến, truyền dạy cho lớp trẻ.

 

Ngoài niềm đam mê với văn hóa dân tộc, bà còn là một cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm. Khu Luông nơi bà làm Trưởng khu có 155 hộ với 674 nhân khẩu, trong đó hơn 90% là đồng bào dân tộc Mường song hộ nghèo chỉ còn 15,4%. Kết quả này một phần do bà tích cực tuyên truyền, vận động bà con đi theo ánh sáng của Đảng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bà vui mừng vì đời sống của bà con trong khu bớt đi nhiều vất vả, vốn cổ quê hương, cả vật thể và phi vật thể ngày càng được thêm bồi đắp, giữ gìn, trong đó có sự chung tay, góp sức của bà.

 

Nguồn: Báo Phú Thọ Điện tử




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 79
  •   Tổng truy cập: 3420276