PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Tài liệu phục vụ họp báo: Tuyên truyền 20 năm tái lập tỉnh Phú Thọ (01/01/1997-01/01/2017)

24/11/2016 10:21:17 SA

     Ngày 21 tháng 1 năm 1968, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết 504 về việc hợp nhất 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Sau 29 năm hợp nhất, tỉnh Phú Thọ được tái lập từ ngày 01/01/1997 theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX. Việc hợp nhất Phú Thọ với Vĩnh Phúc cũng như việc tái lập tỉnh cũ là do yêu cầu khách quan của lịch sử và chủ trương chung của Đảng và Chính phủ trong phạm vi toàn quốc.

Sau khi tái lập, tỉnh Phú Thọ có những thuận lợi cơ bản: Công cuộc đổi mới đất nước đã thực hiện được hơn 10 năm. Đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng tiếp tục được khẳng định và cụ thể hoá. Các cơ chế và chính sách về kinh tế - xã hội được hoàn thiện. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã thu được các kết quả nhất định, tạo cơ sở để các địa phương trong đó có Phú Thọ tiếp tục phát triển. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đang phát triển đúng hướng và có bước tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Phú Thọ là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, về lao động, đất đai và đồi rừng thuận lợi cho việc phát triển một nền kinh tế đa dạng. Cơ sở vật chất - kỹ thuật của tỉnh bước đầu được tăng cường, đầu tư theo hướng hiện đại, đã hình thành các khu công nghiệp tập trung, gắn kết giữa công nghiệp với nông - lâm nghiệp, dịch vụ và thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá.

Phú Thọ là vùng Đất Tổ, nơi có đền thờ Hùng Vương, đây là một động lực tinh thần quan trọng của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh. Đồng bào các dân tộc ở Phú Thọ có truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo. Tình hình chính trị ổn định. Vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể Nhân dân được nâng cao.

Bên cạnh những mặt thuận lợi cơ bản đó, Phú Thọ vẫn còn nhiều khó khăn: là một tỉnh nghèo, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội còn thấp, tốc độ phát triển kinh tế chưa cao, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém. Nguồn tài chính hạn hẹp và mất cân đối, đầu tư cho phát triển hạn chế, chưa có tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế. Công nghiệp tuy đã có một số cơ sở nhưng công nghệ còn lạc hậu, cũ kỹ, nhiều cơ sở thua lỗ, ô nhiễm môi trường đang là một thách thức lớn. Tập quán canh tác còn lạc hậu; diện tích, năng suất và sản lượng nông, lâm nghiệp thấp và chưa ổn định. Lợi thế về thu hút đầu tư nước ngoài so với các tỉnh trong khu vực còn thua kém. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là các vùng sâu, vùng xa…

Những thành tựu nổi bật của tỉnh Phú Thọ sau 20 năm tái lập

Sau 20 năm tái lập tỉnh (1997 - 2017) Phú Thọ đạt được những thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng nhanh, hợp tác đầu tư phát triển, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững ổn định chính trị, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt.  

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, bình quân đạt gần 9%/năm. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt 32.890 tỷ đồng. Thu ngân sách đạt gần 4.000 tỷ đồng (1997: 221 tỷ đồng). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Khu vực công nghiệp duy trì tăng trưởng, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,77%. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 16.534,8 tỷ đồng (1997: 1.650 Tỷ). Hoạt động kinh tế đối ngoại nhiều tiến bộ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1.549,1 tỷ đồng (1997: 94,9 triệu USD). Giá trị xuất khẩu đạt 786,5 triệu USD (1997: 46 triệu USD), giá trị nhập khẩu đạt 638,3 triệu USD (1997: 16 triệu USD). Khu vực nông nghiệp tăng cả về trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp. Năng suất lúa bình quân 53,3 tạ/ha (1997: 29,5 tạ/ha)

Đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã điểm theo kế hoạch, đến nay đã có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Về văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển đảm bảo cân đối về quy mô, loại hình và nâng cao chất lượng, từng bước thực hiện chuẩn hoá, hiện đại hoá, đa dạng hóa và xã hội hoá giáo dục. Đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ I và kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Có  63,7% số trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục được nâng lên, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có thành tích giáo dục khá của cả nước.

Công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân được chú trọng. Hệ thống y tế các tuyến được củng cố, phát triển và hoàn thiện; tăng cường đầu tư hiện đại cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; số bệnh viện đạt hạng cao tăng. Chất lượng khám, chữa bệnh có tiến bộ, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị; các chỉ số sức khoẻ người dân và chỉ tiêu về số bác sỹ, giường bệnh trên vạn dân, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế cơ bản đạt và vượt so mục tiêu chung cả nước. 

Hoạt động văn hoá, thông tin - truyền thông, thể thao có nhiều khởi sắc. Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hoá dân tộc; xây dựng và bảo vệ thành công hai di sản văn hoá phi vật thể “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận và vinh danh; đảm bảo 100% khu dân cư có nhà văn hoá. Hoạt động thông tin, báo chí, văn học nghệ thuật, phát thanh, truyền hình có nhiều tiến bộ; truyền hình tỉnh đã phát sóng vệ tinh và phủ sóng 100% diện tích và dân số trong tỉnh. Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển. Công tác đào tạo vận động viên năng khiếu được quan tâm; thành tích tham gia Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố về tổng sắp huy chương (91 HCV, 48 HCB, 73 HCĐ), đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố về tổng điểm.

Công tác giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; công tác dân tộc, tôn giáo đạt kết quả quan trọng. Quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, chính sách đối với người có công; thu nhập và chất lượng cuộc sống của Nhân dân từng bước được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều là 12,04%. Triển khai tích cực công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hoạt động tôn giáo trên địa bàn được quản lý và tạo điều kiện theo quy định của pháp luật.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực. Chủ động nắm chắc, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo. Tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa, tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí.

Công tác chính trị tư tưởng được quan tâm. Các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng được triển khai đầy đủ và nghiêm túc, nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội có nhiều đổi mới về phương thức, nội dung truyền đạt. Làm tốt công tác định hướng tuyên truyền, cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Công tác tổ chức xây dựng Đảng có chuyển biến tích cực. Tiến hành các giải pháp củng cố, kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị để nâng cao hiệu quả hoạt động. Chất lượng đội ngũ cán bộ và cán bộ dự nguồn được nâng cao; từng bước chuẩn hoá về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên được đẩy mạnh.

Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; góp phần giữ gìn sự trong sạch, đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ tỉnh.

Công tác dân vận được các cấp ủy tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Trung ương về công tác dân vận. Bước đầu triển khai và thực hiện tốt Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân.

Hoạt động của hội đồng Nhân dân, uỷ ban Nhân dân các cấp và công tác đối ngoại có nhiều đổi mới thiết thực. Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến và tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng và gắn với thực hành dân chủ ở cơ sở, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

 Hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến thiết thực, hiệu quả. Đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực vận động đoàn viên, hội viên tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững trật tự trị an, củng cố quốc phòng - an ninh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

     Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Phú Thọ (01/01/1997 - 01/01/2017) là dịp chúng ta nhìn lại, phấn khởi và tự hào với những kết quả đạt được trong chặng đường đã qua. Phát huy những thành tựu và kinh nghiệm tích lũy được, với quyết tâm, và ý trí, nghị lực, tinh thần dũng cảm, sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tiếp tục viết nên những trang sử mới làm rạng rỡ truyền thống Đất Tổ Anh hùng; xây dựng quê hương Phú Thọ ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước./.

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 20
  •   Tổng truy cập: 3451256