PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm xã Vinh Quang (Đào Xá, Thanh Thủy)

10/01/2024 3:55:33 CH

Nhằm tuyên truyền, tôn vinh và tri ân sâu sắc công lao, cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; khắc ghi những tình cảm thiêng liêng, sự quan tâm sâu sắc của Bác Hồ kính yêu đối với Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ. Trang Thông tin điện tử Hội LHPN tỉnh Phú Thọ tuyên truyền Đề cương Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm xã Vinh Quang (nay là xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy)


ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm xã Vinh Quang
(nay là xã Đào Xá), huyện Thanh Thủy (26/01/1964 - 26/01/2024)

 

I. BÁC VỀ THĂM XÃ VINH QUANG, ĐỊA PHƯƠNG CÓ PHONG TRÀO TRỒNG CÂY KHÁ NHẤT MIỀN BẮC

Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Nhân dân cả nước thi đua thực hiện "Tết trồng cây". Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, Đảng bộ và Nhân dân xã Vinh Quang (nay là xã Đào Xá), huyện Thanh Thủy đã phát động Nhân dân toàn xã thực hiện "Tết trồng cây" đầu tiên, với quyết tâm trồng cây phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, đưa nhiệm vụ trồng cây thành một chỉ tiêu phấn đấu hàng năm. Cả 6 hợp tác xã, các tổ chức đoàn thể, từ cụ già đến các em nhỏ với tổng số trên 5.000 người đều hăng hái tham gia trồng cây.

Sau hơn 2 năm thực hiện lời dạy của Bác, xã Vinh Quang đã trồng được hơn 1 triệu cây thuộc các loại cây lấy gỗ và cây công nghiệp lâu năm (Bạch đàn, trẩu, sở), hơn 2 triệu gốc dứa, hơn 8 tấn hạt chè, trồng hơn 40 vạn gốc sắn xen vào đồi cây, phủ xanh đất trống đồi núi trọc và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tại Hội nghị tổng kết phong trào trồng cây toàn miền Bắc năm 1962, xã Vinh Quang đã trở thành đơn vị trồng cây khá nhất, là điển hình để các địa phương học tập và vinh dự được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng ba; Tổng cục Lâm Nghiệp tặng cờ. Liên tiếp các năm sau, từ năm 1962 đến năm 1964, xã Vinh Quang luôn là đơn vị trồng cây điển hình của miền Bắc. Vì vậy, ngày 26/01/1964, Đảng bộ và Nhân dân xã Vinh Quang vinh dự được đón Bác Hồ về thăm.

Khoảng 8 giờ sáng ngày 26/01/1964, đoàn xe của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ hướng huyện Thanh Thuỷ đi đến xã. Điều làm cho tất cả mọi người bất ngờ là Người không vào nơi đón tiếp đã được chuẩn bị sẵn mà cho dừng xe dưới chân đồi Bạch Thạch và đi lên thăm đồi cây. Đứng trên đồi, nhìn bao quát một lượt những dãy đồi vòng cung cao dần về phía Thanh Sơn, trên đó đã dấy lên một màu xanh trẻ trung, khoẻ khoắn của phi lao, bạch đàn. Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống đường đi bộ vào trong làng. Trên đường đi, Người ghé vào thăm khu trồng cây đỗ triều để gây cánh kiến đỏ tại đồi Đính Then. Đây là nguyên liệu quý trong công nghiệp và xuất khẩu, còn hạt có thể làm tương ăn được. Người khen tốt và khuyên Vinh Quang phát triển thêm diện tích.             

Vào thăm khu trại chăn nuôi của hợp tác xã Liên Hưng, sau đó, Người ghé thăm lớp học vỡ lòng của hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi tại xóm Sắn. Thấy cháu nào cũng khoẻ mạnh, Người rất vui và căn dặn các cháu phải ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ và cô giáo, phải giữ vệ sinh sạch sẽ.

Rời lớp học, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thăm nhà  ông Nguyễn Tương, lúc đó cả nhà đi vắng, chỉ có bà cụ mẹ ông Tương ở nhà. Tiếp đó, Người ghé vào nhà chị Nguyễn Thị Đinh, nhà chỉ vẻn vẹn có một gian, hai trái nhỏ hẹp, mái lá đã cũ. Do neo đơn, làm ăn vất vả, nên chị Đinh không được khoẻ và nhà cửa bề bộn. Thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh vào, chị Đinh bế con nhỏ ra đón, Người ân cần hỏi thăm tình hình gia đình chị, rồi xoa đầu cháu nhỏ và cho cháu kẹo. Trên đường đi đến địa điểm đón tiếp, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn ghé vào thăm gia đình bà Nguyễn Thị Tĩnh.

Địa điểm đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh được bố trí ngay tại Đình Đào Xá. Tại sân đình, không khí tưng bừng như một ngày hội lớn, Nhân dân trong xã đã tập trung đông đủ, náo nức, vượt quá dự kiến chỗ ngồi của Ban tổ chức. Chưa nói chuyện ngay, Người đi thẳng vào bên trong ngôi đình làng cổ kính. Chỉ những chỗ hư hỏng, Người căn dặn phải cho tu sửa, gìn giữ để làm di tích lịch sử, làm nơi hội họp của dân làng trong những dịp lễ, tết, hội hè.    

Đi xuống nhà tả mạc, nói chuyện với Nhân dân, Người khen ngợi cán bộ, đảng viên, thanh niên và nhất là các cụ phụ lão xã Vinh Quang nói chung, hợp tác xã Thắng Lợi nói riêng, đã biết chọn con đường làm giàu cho mình là trồng cây, cải tạo đồi trọc, đem lại nguồn của cải vô tận. Người mong muốn Vinh Quang phát huy việc trồng cây tốt hơn nữa và đặt tên cho đồi này là đồi cây Vinh Quang. Nhân dịp "Tết trồng cây" sắp tới, Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc đồng bào ăn tết vui vẻ, tiết kiệm và nhắc nhở mọi người phải trồng thật nhiều cây.

Bác đã biểu dương tinh thần gương mẫu của các cụ phụ lão trong xã đã và đang đi đầu trong việc trồng cây, lôi kéo được đông đảo xã viên hăng hái tham gia với ý thức làm chủ hợp tác xã của mình. Bác nêu gương cụ Nguyễn Văn Chung, đã trồng được trên 6.000 cây; cụ Nguyễn Nho trồng trên 2.000 cây, anh Trần Văn Thành trồng trên 9.000 cây mà không tính công điểm với hợp tác xã; Bác căn dặn Nhân dân xã Vinh Quang cần chú ý chăm nom những cây đã trồng và trồng nhiều cây hơn nữa, nhất là những loại cây lấy gỗ, không nên tự mãn với những kết quả đã đạt được. Ngoài ra, phải ra sức đẩy mạnh việc chăn nuôi, trồng màu là những việc làm còn yếu của xã. Phải chú ý làm tốt hơn nữa việc chăm lo sức khoẻ, giữ gìn vệ sinh cho các cháu nhi đồng. Sau đó, Người căn dặn cán bộ, đảng viên và Nhân dân toàn xã phải tiếp tục phấn đấu trên tất cả các mặt sản xuất, văn hoá để đời sống Nhân dân ngày càng no ấm và văn minh hơn. Người cũng không quên nhắc nhở Đảng bộ và Nhân dân xã Vinh Quang phải chăm sóc các cháu thiếu niên, nhi đồng tốt hơn.

Cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vui vẻ hỏi các cụ già có mặt xem cụ nào cao tuổi nhất và tặng hoa cho cụ bà Nguyễn Thị Tân, cụ Nguyễn Chính 81 tuổi, đại diện cho các bậc cao niên của xã Vinh Quang, mỗi cụ một bông hoa hồng.

Để biểu dương xã Vinh Quang có phong trào trồng và chăm sóc cây tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết bài đăng trên Báo Nhân dân số 3600 ra ngày 5 tháng 2 năm 1964,  trong đó có đoạn viết: "Có được kết quả đó là do chi bộ khéo lãnh đạo, do cán bộ, đảng viên và đoàn viên hăng hái xung phong. Vì vậy mà từ các cụ bô lão đến các em nhi đồng ai cũng phấn khởi, hăng hái trồng cây và chăm sóc cho cây tốt. Trong 700 cụ ông, bà tình nguyện giúp hợp tác xã hoàn thành kế hoạch thì 52 cụ là nòng cốt các đội trồng cây".

Nếu bà con xã Vinh Quang cố gắng tiến lên mà không tự mãn với kết quả hiện nay thì vài ba năm nữa, các đồi núi trọc sẽ biến thành những vườn cây tươi tốt, thành kho vàng vô tận của hợp tác xã và xã viên..."

II. PHÚ THỌ LÀM THEO LỜI BÁC

Trong suốt 60 năm từ ngày Bác Hồ về thăm xã Vinh Quang (nay là xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy), những tình cảm sâu nặng, lời chỉ bảo ân tình của Bác đã khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân Phú Thọ và trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách đạt được những thành tích quan trọng, có ý nghĩa to lớn trên tất cả các lĩnh vực, phấn đấu xây dựng Phú Thọ trở thành một tỉnh giàu đẹp như lúc sinh thời Người hằng mong muốn. Đặc biệt, khắc sâu lời dạy của Người về trồng cây, gây rừng, trong những năm qua công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đến hết năm 2023, diện tích trồng rừng tập trung 9.398,3 ha, khoán bảo vệ rừng 37.164,7 ha, chăm sóc rừng trồng 28.000 ha;  có 3.900 ha được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; sản lượng gỗ khai thác rừng tập trung 771,3 nghìn m3... Độ che phủ rừng đạt 39,6%. Toàn tỉnh có 11 làng nghề sản xuất, kinh doanh chế biến gỗ với tổng giá trị sản phẩm sản xuất khoảng 665 tỷ đồng...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025, đã xác định mục tiêu: Xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, cụ thể là:

Kinh tế liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá so với cả nước và các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP 7,58%; quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,3 lần so với năm 2020 (đứng thứ 3/14 tỉnh trong vùng);  GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 65,4 triệu đồng (vượt mục tiêu đến năm 2025 đạt 65 triệu đồng, tăng 14,7 triệu đồng so với năm 2020, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng) đứng thứ 34/63 tỉnh, thành và đứng thứ 05/14 tỉnh trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. Chỉ đạo cụ thể hóa, rà soát bổ sung quy hoạch, kế hoạch, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn; hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thu hút vốn đầu tư ngoài NSNN đạt khá, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (năm 2023 thu hút mới, bổ sung vốn 102 dự án; trong đó 83 dự án DDI, vốn đăng ký gần 6.900 tỷ đồng; 19 dự án FDI, vốn đăng ký 218,1 triệu USD).

Kết cấu hạ tầng trọng điểm tiếp tục quan tâm đầu tư, 18/20 tuyến đường giao thông trọng điểm được triển khai nhanh, vượt tiến độ, trong đó có 07/20 dự án đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành; dần hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ liên vùng, kết nối các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, như: cầu Vĩnh Phú- nối tỉnh Vĩnh Phúc; đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái; cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ,…). Việc đầu tư các dự án hạ tầng KCN, CCN, một số đô thị, khu du lịch được triển khai nhanh; hoàn thành GPMB 78 ha đất KCN, trong đó hoàn thành 50 ha KCN Phú Hà (giai đoạn 1), 28 ha KCN Cẩm Khê; đã ban hành kế hoạch triển khai các CCN đến năm 2025; hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN: Vạn Xuân, Bắc Lâm Thao, thị trấn Sông Thao (diện tích 149,11 ha); thành lập mới 04 CCN (Nam Đoan Hùng, Phú Hộ, Đồng Phì, Ngọc Quan) với tổng diện tích 265 ha; 02 dự án khu đô thị, nhà ở (Khu nhà ở xã hội cho công nhân KCN Phú Hà, KĐT sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và sân gôn Tam Nông- phân khu 1); một số dự án đang được tiếp tục đầu tư theo tiến độ (Khu phố đi bộ Tiên Cát Việt Trì, KĐT Thanh Minh, thị xã Phú Thọ, KĐT Đông Viên, thị trấn Cẩm Khê,…).

Cải cách hành chính được chú trọng, tạo thuận lợi giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư, đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất cho nhà đầu tư. Kết quả xếp hạng 04 chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI năm 2022 duy trì thứ hạng cao so với cả nước và các tỉnh trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó chỉ số PAPI, SIPAS nằm trong tốp 10 cả nước, tốp 02 của vùng (chỉ số PAPI đạt 44,26 điểm, đứng thứ 10/61, có 04 chỉ số thành phần nằm trong tốp đầu cả nước, đứng thứ 01/13 vùng; chỉ số SIPAS đạt 84,05%, đứng thứ 08/63, tăng 05 bậc so năm 2021, đứng thứ 08/63 cả nước, 02/14 vùng); chỉ số PCI, PAR INDEX nằm trong nhóm trên dưới 20 địa phương cả nước, nhóm 05 tỉnh trong vùng đạt kết quả tốt (chỉ số PCI đạt 66,3 điểm, đứng thứ 24/63, có 06 chỉ số tăng điểm, 02 chỉ số nằm trong tốp 10, đứng thứ 4/14 vùng; chỉ số PAR INDEX đạt 86,6 điểm, đứng thứ 18/63, có 04 tiêu chí thành phần tăng điểm so năm 2021, đứng thứ 06/14 vùng).

Sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng. Hiệu quả sản xuất tiếp tục được nâng cao, giá trị sản phẩm bình quân 01 ha đất trồng trọt ước đạt 120 triệu đồng (tăng 6,5 triệu đồng), thủy sản đạt 170 triệu đồng (tăng 5,3 triệu đồng so với năm 2022); năng suất, sản lượng các loại cây trồng chính đạt khá; đàn gia súc, gia cầm duy trì ổn định; hoạt động lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển.

Chương trình xây dựng NTM được quan tâm chỉ đạo, nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo phát triển bền vững; các chỉ tiêu quan trọng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đạt vượt mục tiêu (năm 2023, có thêm 02 huyện cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 08 xã đạt chuẩn NTM, 08 xã NTM nâng cao, 105 khu dân cư NTM, 55 khu NTM kiểu mẫu, bình quân toàn tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã); đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn tiếp tục được nâng cao). Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả quan trọng, đến hết năm 2023 toàn tỉnh có 249 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên (tăng thêm 110 sản phẩm, 01 sản phẩm đạt 5 sao, vượt mục tiêu kế hoạch đến năm 2025); các sản phẩm sau khi được công nhận đã cải thiện về chất lượng, mẫu mã, nâng cao giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường, hình thành nhiều chuỗi sản phẩm có sản lượng lớn, giá trị cao.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tăng khá; cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo điện tử; có 06/18 ngành công nghiệp chế biến chế tạo bổ sung năng lực mới, trong đó ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học chiếm tỷ trọng lớn tăng trên 40% đóng góp tích cực cho tăng trưởng.

Hoạt động thương mại, dịch vụ, tài chính tín dụng cơ bản ổn định, có mức tăng khá; tổng thu cân đối NSNN trên địa bàn đạt 8.416 tỷ đồng; 13/13 đơn vị huyện, thành, thị hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được giao, trong đó có một số đơn vị đạt cao. Hoạt động đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, hỗ trợ tích cực cho tiêu thụ sản phẩm; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 50,9 nghìn tỷ đồng; hoạt động du lịch phát triển, thu hút nhiều khách du lịch đến thăm quan, nghỉ dưỡng; doanh thu du lịch ước đạt 3.365 tỷ đồng; thu hút 776 nghìn lượt khách lưu trú. Giá trị xuất nhập khẩu đạt 10,4 tỷ USD (đứng thứ 09/63 tỉnh, thành).

Công tác quản lý và phát triển đô thị, lập quy hoạch chung, quy hoạch đô thị được quan tâm chỉ đạo; đã phê duyệt 02 đồ án quy hoạch vùng huyện, 06 đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thị trấn, 03 đồ án quy hoạch phân khu, 03 đồ án quy hoạch chi tiết; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai các dự án theo quy hoạch được duyệt; hoàn thành hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Việt Trì đến năm 2040 trình Thủ tướng Chính phủ; chủ động triển khai lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Phú Thọ đến năm 2040. Chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác quản lý đô thị, trật tự đô thị, ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống đường trục, hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, các thiết chế văn hóa, giáo dục,.. thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các trung tâm huyện lỵ.

Công tác quản lý tài nguyên và môi trường được chú trọng; tài nguyên, khoáng sản được quản lý chặt chẽ, hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông cơ bản ổn định; công tác quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường được tăng cường. Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai được quan tâm thực hiện; chủ động phân vùng và lập bản đồ phân vùng nguy cơ ngập lụt, lũ quét, các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại,…

Hoạt động khoa học công nghệ được chú trọng; triển khai Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; tập trung thực hiện 76 nhiệm vụ, trong đó có 08 nhiệm vụ cấp nhà nước, 68 nhiệm vụ cấp tỉnh.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm; quan tâm đầu tư xây dựng và phát huy giá trị văn hóa vùng Đất Tổ. Giáo dục và đào tạo tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học; chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn có tiến bộ (kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT điểm trung bình xếp thứ 08/63 toàn quốc, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,54%; kết quả thi học sinh giỏi tiếp tục duy trì thành tích cao, nằm trong nhóm đầu của cả nước. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học; toàn tỉnh có 92,3% trường học đạt chuẩn quốc gia.

Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố và phát triển mạng lưới rộng khắp từ tỉnh tới cơ sở; y tế dự phòng được tăng cường. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao ở các tuyến y tế, chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa và các kỹ thuật mới, hiện đại trong chẩn đoán và điều trị. 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, 100% trạm y tế có bác sỹ làm việc và kết nối dữ liệu liên thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Quan tâm phát triển các đối tượng tham gia BHYT, tỷ lệ người tham gia đạt 93,7%.

Hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin, tuyên truyền có nhiều tiến bộ, đóng góp quan trọng vào quảng bá, thu hút khách du lịch. Công tác quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được chú trọng, các thiết chế văn hóa cơ sở tiếp tục được đầu tư; xây dựng văn hóa cơ sở và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng tiếp tục phát triển; đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân ngày càng phong phú. Hoạt động thể thao quần chúng được duy trì; thể thao thành tích cao giành được thành tích nổi bật. Hoạt động thông tin, tuyên truyền được thực hiện kịp thời, đúng định hướng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh trung thực đời sống xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Lao động, việc làm, các lĩnh vực đời sống xã hội được đảm bảo; thu nhập của người lao động cơ bản ổn định; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71%. Công tác hỗ trợ người lao động tìm việc làm, kết nối thông tin thị trường lao động được tăng cường. An sinh xã hội được đảm bảo, giải quyết kịp thời các chính sách đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Công tác giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo, người DTTS, vùng sâu, vùng khó khăn được quan tâm; các chương trình mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng ưu đãi cho người nghèo đã góp phần phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn, khó khăn và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,49%.

Công tác dân tộc và tôn giáo được quan tâm; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về dân tộc, tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào DTTS, phát huy tốt vai trò của các tổ chức tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực. Chủ động nắm chắc, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Tăng cường kiểm tra, xử lý quyết liệt, lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản; kiềm chế và làm giảm số vụ, số người chết do tai nạn giao thông. Tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa, tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí.

Công tác chính trị, tư tưởng có nhiều đổi mới, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương  về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu có nhiều đổi mới, tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề nổi cộm, phức tạp; hằng năm duy trì và thực hiện tốt công tác đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân.

Công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm chỉ đạo thường xuyên và đạt nhiều kết quả tích cực. Tổ chức bộ máy cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn. Công tác cán bộ được coi trọng, nhiều chủ trương, giải pháp về công tác cán bộ được cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, bảo đảm dân chủ, chặt chẽ. Chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp tiếp tục được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh trong tình hình mới.

Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, từng bước siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, góp phần làm chuyển biến, nâng cao chất lượng công tác của các cấp ủy, tổ chức đảng, giữ gìn sự trong sạch, đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ tỉnh. Các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo đúng quy định của Điều lệ Đảng. Ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện đảm bảo giám sát mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm.

Công tác dân vận được cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo. Công tác dân vận chính quyền có nhiều đổi mới, các chương trình phối hợp được triển khai thực hiện có hiệu quả thiết thực, hướng đến phục vụ, vì lợi ích của Nhân dân. Việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân được duy trì nền nếp, góp phần giải quyết tốt những vướng mắc, phát sinh từ cơ sở, đồng thời tiếp nhận được các ý kiến góp ý vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân.

Hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân có nhiều đổi mới thiết thực. Chất lượng các kỳ họp Hội đồng nhân dân tiếp tục được nâng cao; hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phát huy dân chủ, trách nhiệm của các đại biểu Hội đồng nhân dân. Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến và tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Hoạt động của ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên.

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến thiết thực, hiệu quả. Bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các lĩnh vực công tác theo hướng rõ chức năng, nhiệm vụ, hướng về cơ sở. Tích cực tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...

Với những thành tựu xuất sắc đạt được trong những năm qua, Nhân dân và cán bộ tỉnh Phú Thọ được Đảng và Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương độc lập, được phong tặng danh hiệu "Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; nhiều tập thể, cá nhân được phong danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân","Anh hùng lao động"; hàng vạn đồng bào chiến sỹ trong tỉnh được tặng thưởng huân, huy chương và các phần thưởng cao quý khác. Đó vừa là niềm tự hào, vừa là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phấn đấu giành kết quả to lớn hơn trong giai đoạn mới.

Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm xã Vinh Quang (nay là xã Đào Xá), huyện Thanh Thủy (26/01/1964-26/01/2024), là dịp chúng ta ôn lại những lời dạy của Người và phấn khởi, tự hào với những kết quả đã đạt được trong 60 năm làm theo lời Bác. Vững bước theo Đảng, theo Bác, những con Lạc cháu Hồng trên quê hương Đất Tổ nguyện tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khơi dậy những nguồn lực còn tiềm ẩn, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài, tạo nên bước chuyển biến mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu xây dựng quê hương Phú Thọ thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

                                                             BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 43
  •   Tổng truy cập: 3421235