PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Lao động nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi

04/03/2017 3:34:47 CH

              Việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động việc làm còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như: một số quy định phân biệt đối xử đối với nữ về quy định tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, các nhóm lao động nữ trong việc tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội chưa công bằng...

http://dangcongsan.vn/DATA/0/2017/03/dsc_1425bt-14_57_36_101.jpg

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Tọa đàm

Đây là những vấn đề được chỉ ra tại Toạ đàm về bình đẳng giới nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ năm 2017 với chủ đề "Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm" được  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp cùng Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 3/3.

Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước hiện có 53,27 triệu lao động có việc làm, trong đó lao động nữ có việc làm chiếm khoảng 48,48% và năm 2016 đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,641 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm 48%.

Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ lao động nữ tiếp cận thông tin về thị trường lao động hiệu quả và tìm việc làm thành công đã được triển khai. Bên cạnh đó, các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ nhằm giúp họ vươn lên thoát nghèo đã và đang được Việt Nam đặc biệt quan tâm. Từ năm 1992, Quỹ quốc gia về việc làm đã phát huy vai trò hỗ trợ việc làm cho người lao động, nhất là lao động nữ khu vực nông thôn. Tính đến tháng 11/2016, tổng nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm đạt trên 5.040 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100 nghìn lao động mỗi năm, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 60%...

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho hay, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động – việc làm vẫn gặp phải một số khó khăn, thách thức. Đó là, Bộ Luật lao động chỉ điều chỉnh khu vực có quan hệ lao động, trong khi ở khu vực này nữ giới chỉ chiếm 40,6%, nam giới chiếm 59,4%. Cùng với đó, một số quy định phân biệt đối xử đối với nữ về quy định tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ, chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm sau học nghề chưa xoá bỏ được định kiến giới trong định hướng nghề nghiệp và lựa chọn ngành nghề đào tạo, các nhóm lao động nữ trong việc tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH chưa công bằng, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ còn nhiều vướng mắc trong thực tế, nhiều chính sách trong lĩnh vực lao động - việc làm chưa được lồng ghép giới đầy đủ và hiệu quả.

Đáng chú ý, lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công có hưởng lương khoảng 4,58 triệu đồng, thấp hơn so với lao động nam là 5,19 triệu đồng (theo số liệu báo cáo của Tổng cục Dạy nghề – Bộ LĐ-TB&XH). Mặt khác, tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp chiếm 44,6% trên tổng số hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tỷ lệ lao động nữ có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm 57,2% trong hơn 592.000 quyết định trợ cấp (theo số liệu báo cáo của Cục Việc làm – Bộ LĐ-TB&XH)...

Nhìn chung, nguyên nhân của thực trạng trên là do những rào cản từ quan niệm truyền thống đánh giá thấp khả năng và tiềm năng của phụ nữ. Bên cạnh đó, những yêu cầu cao hơn về trình độ đào tạo, kiến thức, năng lực…đến từ sự thay đổi của thế giới việc làm, trong khi chức năng làm mẹ, chăm sóc con cái và gia đình vẫn luôn được cho là trách nhiệm chủ yếu của phụ nữ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự tham gia và chất lượng công việc của lao động nữ.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế nhằm đề xuất các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam. Các đại biểu cho rằng, để xóa bỏ các rào cản đang ảnh hưởng đến việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, cần xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong luật pháp và thay đổi các chuẩn mực xã hội nhằm thúc đẩy bình đẳng trong việc tiếp cận các cơ hội và kết quả của sự phát triển kinh tế...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Các đề xuất tại buổi tọa đàm sẽ là cơ sở đề xuất chính sách cho công tác bình đẳng giới trong lao động việc làm tại Việt Nam, hướng tới Kế hoạch hành động của Chính phủ về thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 với các chỉ tiêu cụ thể về bình đẳng giới và trao quyền kinh tế của phụ nữ./.

 Nguồn: Báo Phú Thọ điện tử




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 60
  •   Tổng truy cập: 3418071