PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Kỷ niệm 55 năm Ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Phú Thọ (19/8/1962 - 19/8/2017)

21/08/2017 3:08:30 CH

 I. BÁC HỒ  VỀ  QUÊ HƯƠNG ĐẤT TỔ

 

Trong hai năm 1961 - 1962, Phú Thọ là tỉnh có nhiều thành tích trên tất cả các mặt, nhất là về nông nghiệp. Năm 1961, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã phấn đấu vượt mức kế hoạch Nhà nước; năm 1962, đạt và vượt 12/15 chỉ tiêu gieo trồng cả năm về hoa màu và cây công nghiệp, đang phấn đấu vượt các chỉ tiêu còn lại, đẩy mạnh chăm bón để tăng năng suất các loại cây trồng. Với những thành tích đã đạt được trong thời kỳ thực hiện kế hoạch 3 năm “Cải tạo, bước đầu phát triển kinh tế - xã hội (1958 - 1960) và năm đầu của kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) về phát triển kinh tế quốc dân, Phú Thọ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ Thi đua khá nhất, Chính phủ thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất về thành tích là “Tỉnh dẫn đầu miền Bắc”.

 

Nhằm động viên nhân dân và cán bộ tỉnh ta tiếp tục phấn đấu giành nhiều thành tích cao hơn nữa trong sản xuất và công tác, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trong hai ngày 18 và 19 tháng 8 năm 1962, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm.

 

Vào lúc 18 giờ 25 phút chiều ngày 18 tháng 8 năm 1962, Bác đến trụ sở của Uỷ ban Hành chính tỉnh Phú Thọ (tại thị xã Phú Thọ). Sau đó, Người làm việc với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Đến 20 giờ 15 phút tối ngày 18 tháng 8 năm 1962, Bác xem văn công của tỉnh Phú Thọ và đoàn múa rối của xã Xuân Lộc (huyện Thanh Thuỷ) biểu diễn tại Hội trường Uỷ ban tỉnh (nay là hội trường khu nhà 2 tầng, trụ sở làm việc của cơ sở 2, Trường Đại học Hùng Vương). Sau khi chụp ảnh với các anh chị em diễn viên, Người làm việc với đồng chí Nguyễn Thành Đô - Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Vũ Song - Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh về nội dung buổi nói chuyện với nhân dân vào sáng ngày 19 tháng 8.

 

Đúng 6 giờ sáng ngày 19 tháng 8 năm 1962, hơn ba vạn cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc từ khắp nơi trong tỉnh đã có mặt đầy đủ tại sân vận động thị xã để đón chào Người trong niềm vui sướng và phấn khởi.

 

Tại buổi mít tinh trọng thể ở thị xã Phú Thọ, Người thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái hỏi thăm đồng bào các dân tộc, bộ đội, công an, dân quân, anh hùng lao động và chiến sĩ thi đua trong toàn tỉnh. Bác đã nói nhiều về trách nhiệm của tỉnh Phú Thọ, khen ngợi những thành tích của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được, đặc biệt là các điển hình tiên tiến trong nông nghiệp của hợp tác xã Thái Ninh (Thanh Ba), hợp tác xã La Thành (Thanh Thuỷ), hợp tác xã Đồng Tâm (Đoan Hùng)… Người cũng nêu rõ những ưu điểm trên các lĩnh vực cụ thể để nhân dân và cán bộ phải cố gắng hơn nữa như hợp tác xã nông nghiệp, quản lý, công cụ cải tiến, phân bón, trồng cây gây rừng, nông trường, thương nghiệp, văn hóa - xã hội, trật tự trị an… Đồng thời, Bác cũng phê bình những thiếu sót, nhắc nhở những đơn vị yếu kém cần khắc phục để vươn lên.

 

Người nhấn mạnh“...Đảng ta là Đảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân Đảng ta không có lợi ích gì khác. Vì vậy, Đảng ta được dân tin, dân phục, dân yêu. Ngày nay, nhiệm vụ của Đảng ta là lãnh đạo quần chúng đánh thắng tình trạng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng đời sống ấm no, sung sướng cho nhân dân”. Như thế là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để lãnh đạo tốt, các cấp cùng phải đoàn kết, thật dân chủ, phải thực hành chế độ “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” và tự phê bình và phê bình để không ngừng tiến bộ”.

 

Người căn dặn: “Bác tin rằng Đảng bộ tỉnh Phú Thọ sẽ cố gắng lãnh đạo nhân dân tỉnh ta tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức những nhiệm vụ Đảng đã giao phó, trở nên tỉnh tiên tiến để góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”.

 

Bác đã tự tay gắn huy hiệu cho chị Nguyễn Thị Đảng, xã Thắng Lợi (nay là xã Minh Côi) huyện Hạ Hòa và chị Đỗ Thị Xịch, xã Kiến Thiết (nay là các xã Thái Ninh, Đông Lĩnh, Đào Giã) huyện Thanh Ba.

 

Sau khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, đồng chí Nguyễn Thành Đô - Bí thư Tỉnh uỷ Phú Thọ thay mặt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đọc lời quyết tâm thực hiện lời Bác dạy.

 

Sau khi dự mít tinh xong, Người rời thị xã Phú Thọ đến thăm hợp tác xã Nam Tiến, Lâm Thao. Đúng 8 giờ 30 phút sáng ngày 19 tháng 8, Bác và các đồng chí lãnh đạo của tỉnh và huyện Lâm Thao về đến xã Cao Mại (lúc đó gọi là xã Nam Tiến) sau đó đi thăm hợp tác xã Nam Tiến (nay là thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao) - đơn vị điển hình tiên tiến về năng suất lúa cao của tỉnh.

 

Nói chuyện với đông đảo cán bộ, xã viên hợp tác xã Nam Tiến (lúc đầu khoảng 500 người, sau đó lên đến gần 1000 người), Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi thăm sức khoẻ và việc thu hoạch vụ mùa vừa qua. Người khen ngợi cán bộ, đảng viên, xã viên của hợp tác xã và căn dặn: “…Cán bộ phải làm đầy tớ phục vụ nhân dân, không phải như thời tây làm quan đâu; phải đoàn kết cùng nhân dân xây dựng hợp tác xã…”.

 

Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thăm một số gia đình xã viên. Trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chia tay ra về, bà con xã viên Nam Tiến, người đem dừa, người đem bí ngô đến biếu. Người vui vẻ nhận, cảm ơn và tặng lại bà con. Cuối năm 1962, hợp tác xã Nam Tiến trồng được quả dừa có hai mầm, đã cử đồng chí Ngô Thiên Tuế - Chủ nhiệm hợp tác xã và chị Nguyễn Thị Thinh - Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Nam Tiến đem về Phủ Chủ tịch biếu Bác Hồ.

 

Sau khi đi thăm và nói chuyện với cán bộ, xã viên hợp tác xã Nam Tiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao (nay là Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao) - một trong những cơ sở công nghiệp đầu tiên của nền công nghiệp Việt Nam. Người đã đi thăm nơi ăn, ở của các chuyên gia Liên Xô. Người trực tiếp nói chuyện với các đồng chí chuyên gia nước bạn bằng tiếng Nga, hỏi thăm sức khỏe, ca ngợi tình hữu nghị Việt - Xô, động viên, cảm ơn các đồng chí chuyên gia Liên Xô đã hết lòng phục vụ và hướng dẫn kinh nghiệm tổ chức, quản lý Nhà máy cho cán bộ, công nhân Việt Nam.

 

Trên bãi đất trống trước cửa phân xưởng Axit (nay là xí nghiệp Axit), nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, công nhân nhà máy phải thấm nhuần tinh thần làm chủ, tích cực sản xuất hoàn thành vượt mức kế hoạch; làm tốt công tác quản lý, tích cực học tập; phải sản xuất phân bón thật tốt phục vụ nông nghiệp và đoàn kết với nông dân, thực hiện công nông liên minh; chú trọng cải thiện đời sống.

 

Đúng 9 giờ 15 phút, Bác Hồ tạm biệt mọi người ra về, tiếp tục đi theo hướng đường Quốc lộ số 2 và vào thăm viếng Đền Hùng. Vào thăm Đền Hùng lần này, Người đã nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo địa phương phải tu sửa và gìn giữ ngôi đền, gìn giữ lịch sử, phải trồng cây phủ xanh các đồi trọc; xây dựng công viên lịch sử Đền Hùng.

 

Sau khi vào thăm Đền Hùng, trên đường trở về Thủ đô Hà Nội, Bác đã vào thăm cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 374 đang đóng quân ở Thậm Thình - xã Hy Cương - huyện Lâm Thao (nay là cơ quan chỉ huy Quân khu II - xã Vân Phú - thành phố Việt Trì). Lữ đoàn Pháo binh 374 là một trong 4 Lữ đoàn của binh chủng Pháo binh, được thành lập theo hướng chiến lược để bảo vệ Tây Bắc. Tại đây, Người nói chuyện, động viên cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 374 và ghi lưu niệm vào sổ vàng truyền thống của Lữ đoàn. Sau đó, Bác đã chia tay cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 374 để trở về thủ đô Hà Nội.

 

II. PHÚ THỌ LÀM THEO LỜI BÁC

 

Ghi sâu lời dạy của Bác, 55 năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ luôn kề vai sát cánh, chung sức chung lòng cùng đồng bào và chiến sỹ cả nước lập nên nhiều thành tích, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

1. Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

 

Với truyền thống “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chỉ tính 10 năm, từ năm 1965 đến năm 1975, tỉnh Phú Thọ có 92.782 thanh niên vào bộ đội, 4.000 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Tính chung, gần 9% nhân lực của tỉnh được huy động cho chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Cùng với lực lượng bổ sung cho quân đội, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức trên 600 đơn vị dân quân, du kích và tự vệ với gần 20.000 cán bộ, chiến sĩ.

 

Quân và dân Phú Thọ đã đóng góp hàng chục vạn lượt người phục vụ các chiến trường; huy động hàng triệu ngày công vận chuyển, sơ tán, cất giấu hàng hóa, sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, giữ vững mạch máu giao thông; xây dựng hàng vạn hầm hào phòng không nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, cho các cơ quan, đơn vị của Trung ương và đồng bào các tỉnh về sơ tán.

 

Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lực lượng dân quân, du kích và tự vệ tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đánh địch hàng trăm trận lớn nhỏ, lập nhiều chiến công oanh liệt.

 

Tổng kết hai cuộc kháng chiến, toàn tỉnh có gần 17.487 liệt sĩ; 10.988 thương binh và người được hưởng những chính sách như thương binh; 4.171 người là bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh; gần 52 ngàn người có công với nước; 107 người được công nhận là lão thành cách mạng; 436 người được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa…

 

Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Phú Thọ đã vinh dự được Nhà nước tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, được phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 02 tập thể được phong danh hiệu “Đơn vị anh hùng lao động”; 10 người con của đất Tổ được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động”; 85 đơn vị, địa phương trong tỉnh được phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" và nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác…

 

2. Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội

 

Được sự quan tâm, lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ đã quyết tâm, phấn đấu đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng nhanh, hợp tác đầu tư phát triển, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững ổn định chính trị, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; dân chủ trong Đảng và nhân dân được mở rộng; thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng có chuyển biến tích cực.

 

Về chính trị:

 

Công tác chính trị tư tưởng được quan tâm. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng được quán triệt nghiêm túc, từng bước đổi mới theo hướng coi trọng việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện. Công tác tư tưởng và giáo dục lý luận, chính trị, giáo dục truyền thống nhân các ngày kỷ niệm, sự kiện chính trị lớn của đất nước được đẩy mạnh; chất lượng hoạt động tuyên truyền được nâng cao. Làm tốt công tác định hướng tuyên truyền, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch, âm mưu, hoạt động ''diễn biến hoà bình'' trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá... Việc học tập và làm theo Bác được triển khai tích cực, có hiệu quả, gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đã có sự chuyển biến tích cực trong "làm theo" tấm gương đạo đức của Bác.

 

Công tác tổ chức xây dựng Đảng tiếp tục được đổi mới, đáp ứng cơ bản yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh. Việc tự phê bình và phê bình được thực hiện thường xuyên thông qua sinh hoạt Đảng. Việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên, lấy ý kiến nhận xét của tổ chức Đảng và góp ý của nhân dân nơi cư trú được duy trì nề nếp; công tác tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cơ bản được kịp thời. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh trung bình hàng năm đạt trên 50%, tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 82,7%.

 

Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng tiếp tục được đổi mới, phát huy tốt hơn tính chủ động, sáng tạo và đảm bảo hoạt động theo quy định pháp luật của các tổ chức trong hệ thống chính trị; dân chủ trong Đảng được phát huy và mở rộng. Phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan Đảng từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, gần gũi nhân dân; tăng cường đôn đốc, kiểm tra thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng.

 

Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được nâng lên, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được phát huy. Bộ máy chính quyền các cấp được kiện toàn theo hướng tinh giản, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành quản lí xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp phát huy tốt hơn vai trò tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; củng cố, mở rộng tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên; tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, nhiều cuộc vận động có hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

 

Về Kinh tế:

 

Tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, năm 2016 đạt 8,12%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người (theo GRDP) tính đến năm 2016 đạt 33,2 triệu đồng. Thu ngân sách năm 2016 đạt gần 5 nghìn tỷ đồng.

 

Sản xuất nông, lâm nghiệp duy trì tăng trưởng khá, góp phần tăng thu nhập, ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn. Đã xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung, hiện đại, sản xuất rau quả an toàn, dồn đổi ruộng đất tạo vùng sản xuất hàng hoá tập trung, gắn với phát triển nông nghiệp cận đô thị; hình thành mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết, chuỗi giá trị. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; bình quân giá trị sản phẩm trên một ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản trong 5 năm gần đây đạt 82,4 triệu đồng; sản lượng lương thực duy trì tốc độ tăng trưởng, đảm bảo an ninh lương thực. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo, sớm hoàn thành quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã; tính đến tháng 7 năm 2017 có 01 huyện và 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới; diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới.

 

Công nghiệp - xây dựng duy trì ổn định, có ngành tăng trưởng khá nhanh. Cơ cấu ngành, thành phần kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng tỷ trọng kinh tế ngoài quốc doanh, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng hóa và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập, góp phần tăng giá trị xuất khẩu. Đã hoàn thành đưa vào sản xuất một số sản phẩm công nghiệp mới, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào thu ngân sách nhà nước; sản lượng một số sản phẩm chủ lực tăng nhanh. Hoạt động khuyến công bước đầu có hiệu quả; tiểu thủ công nghiệp được chú trọng phát triển.

 

Thương mại, dịch vụ có bước phát triển mới, đa dạng, phong phú, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia. Trình độ công nghệ, chất lượng dịch vụ, hạ tầng thương mại từng bước phát triển theo hướng hiệu quả, chuyên nghiệp; một số trung tâm thương mại, siêu thị quy mô lớn được đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động. Dịch vụ thương mại, vận tải, kho bãi, tín dụng ngân hàng, bưu chính viễn thông phát triển nhanh. Dịch vụ bảo hiểm, pháp lý, lao động, việc làm được khuyến khích phát triển. Hoạt động xuất, nhập khẩu diễn ra sôi động, tích cực mở rộng thị trường; kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 1.099,2 triệu USD, tăng 14,1%. Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và các sản phẩm du lịch đặc trưng, nhất là du lịch văn hóa tâm linh gắn với hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đưa vào khai thác, bước đầu phát huy hiệu quả. Lượng khách đến thăm quan, du lịch và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương 5 năm gần đây đạt từ 6 đến 7 triệu lượt/năm.

 

Đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt đạt kết quả quan trọng, đã tập trung huy động tốt các nguồn lực để đầu tư, xây dựng, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2016 đạt 21.091,2 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển đột phá, nhất là hệ thống giao thông đối ngoại; trong 5 năm trở lại đây đã tiến hành đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp gần 1000 km quốc lộ, tỉnh và huyện lộ, đặc biệt là đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 32A, đường tỉnh 318, nút IC7 cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hoàn thành 7 cầu lớn (Kim Xuyên, Sông Lô, Ngọc Tháp, Hoàng Cương, Hạc Trì, Đoan Hùng, Đồng Quang), triển khai xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì; hạ tầng đô thị, nông nghiệp, nông thôn, thông tin truyền thông được tăng cường đầu tư, đưa vào sử dụng nhiều công trình quy mô lớn; cơ bản hoàn thành hạ tầng Khu công nghiệp Thụy Vân và một số cụm công nghiệp; đã thu hút đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp Phú Hà, Cẩm Khê, Trung Hà; tích cực hoàn thiện, nâng cao tiêu chí đô thị loại I của thành phố Việt Trì, xây dựng thị xã Phú Thọ trở thành Thành phố; tập trung đầu tư xây dựng các công trình thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Quảng trường Hùng Vương, Công viên Văn Lang, Trường Đại học Hùng Vương, khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ, khách sạn Mường Thanh, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, trường lớp học... Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được đổi mới; đã chủ động tiếp cận, vận động trực tiếp một số tập đoàn, tổng công ty lớn có năng lực tài chính, công nghệ, thị trường vào đầu tư.

Về Văn hóa - xã hội:

 

Có nhiều chuyển biến tích cực, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển đảm bảo cân đối về quy mô, loại hình và nâng cao chất lượng, từng bước thực hiện chuẩn hoá, hiện đại hoá, đa dạng hóa và xã hội hoá giáo dục, việc quán triệt và thực hiện phương châm dạy chữ, dạy người, dạy nghề được quan tâm chú ý. Hệ thống mạng lưới, các loại hình trường lớp được phát triển và mở rộng, hiện nay số trường học đạt chuẩn quốc gia là 648 trường. Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên được quan tâm, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn tăng. Học sinh giỏi quốc gia, học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng hàng năm duy trì tỷ lệ cao; chất lượng giáo dục miền núi có tiến bộ. Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở được duy trì vững chắc.

 

Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng, cơ bản đạt được tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về y tế. Hệ thống y tế các tuyến được củng cố, phát triển và hoàn thiện. Chất lượng khám, chữa bệnh có tiến bộ; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế cơ bản đạt và vượt so với mục tiêu chung cả nước.

 

Hoạt động văn hoá, thông tin - truyền thông, thể thao có nhiều khởi sắc. Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc; xây dựng và bảo vệ thành công hai di sản văn hoá phi vật thể “Hát Xoan Phú Thọ”“Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận và vinh danh. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" phát triển sâu rộng. Chú trọng đầu tư các thiết chế văn hoá, thể thao theo hướng xã hội hoá; đảm bảo 100% khu dân cư có nhà văn hoá; nhiều công trình văn hóa, thể thao hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển.

 

Hoạt động thông tin, báo chí, văn học nghệ thuật, phát thanh, truyền hình có nhiều tiến bộ; thời lượng phát sóng, số báo phát hành tăng; phát sóng kênh truyền hình Phú Thọ trên vệ tinh, phủ sóng 100% diện tích và dân số; qua đó đã kịp thời thông tin, phản ánh, chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới nhân dân.

 

Việc phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt được nhiều kết quả. Công tác xoá đói giảm nghèo được đẩy mạnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,44% (năm 2016), cơ bản xoá xong nhà tạm cho hộ nghèo. Công tác dạy nghề và xã hội hóa dạy nghề được quan tâm. Thực hiện tốt chính sách với các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện được chú trọng; thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên.

 

Về Quốc phòng, an ninh:

 

Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời đề ra các biện pháp nhằm đấu tranh có hiệu quả với hoạt động "Diễn biến hoà bình" và chống phá của các thế lực thù địch, không để xảy ra điểm nóng, đột xuất, bất ngờ về an ninh trật tự. Công tác xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện được triển khai đồng bộ, đặc biệt trên các địa bàn chiến lược. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được duy trì. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được tăng cường. Chất lượng huấn luyện dân quân tự vệ, dự bị động viên và công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng được nâng cao. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân hàng năm. Tham gia tích cực, có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai.

 

Vững bước theo Đảng, theo Bác, trân trọng quá khứ, hướng tới tương lai, quyết tâm đổi mới toàn diện, với tinh thần và ý chí tự lực, tự cường, bản lĩnh sẽ giúp chúng ta - những con Lạc cháu Hồng trên quê hương đất Tổ biết khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo nên bước chuyển biến mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, phấn đấu xây dựng Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du miền núi Bắc bộ.

                                             

                                                   BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY PHÚ THỌ




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 56
  •   Tổng truy cập: 3455343