PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội

17/10/2022 2:15:21 CH

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo nhiều cơ hội cho kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Tuy nhiên, những tác động mặt trái cũng gây nhiều hệ luỵ tiêu cực đến cấu trúc, quy mô và vai trò, chức năng của các thành viên mỗi gia đình. Điều này đã và đang đặt ra cho người phụ nữ những yêu cầu, thách thức mới: Giữ gìn hạnh phúc, đồng thời đón bắt và tạo ra cơ hội cho chính bản thân, gia đình, hài hòa nét đẹp truyền thống và hiện đại…

Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2022), phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Chu Thị Liên- Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Lập xung quanh vấn đề này.

Đồng chí Chu Thị Liên.

PV: Nhân ngày của phái đẹp Việt Nam, xin chúc đồng chí cùng toàn thể chị em hội viên sức khoẻ, hạnh phúc! Là huyện miền núi, nơi có gần 80% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, chị em đã thể hiện rất rõ rệt vai trò “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, vậy đồng chí có những chia sẻ nào về vai trò của phụ nữ trong việc góp phần phát triển chung của huyện cũng như xây dựng gia đình hạnh phúc?

Đồng chí Chu Thị Liên: Trong thời gian vừa qua, phụ nữ huyện Yên Lập luôn đoàn kết thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Hội phụ nữ các cấp; phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, được tạo cơ hội để khẳng định vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội, tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện, tích cực góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Các phong trào thi đua phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với phong trào thi đua yêu nước tại địa phương được các cấp hội thực hiện với nhiều cách làm mới đạt hiệu quả cao với trên 90% phụ nữ tham gia. Trong phong trào “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”, có trên 1.800 chị đạt danh hiệu cấp cơ sở, nhiều tập thể cá nhân được các cấp, các ngành khen thưởng.

Ở từng lĩnh vực, phụ nữ trên địa bàn huyện đều thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực. Điển hình như: Lĩnh vực chính trị, đội ngũ cán bộ nữ, công chức, viên chức, người lao động, nữ đảng viên luôn phát huy tinh thần gương mẫu, tự học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, Ban Thường vụ, nữ đại biểu HĐND các cấp ngày càng tăng, đóng góp xứng đáng trong công tác lãnh đạo, quản lý, cụ thể hoá chính sách pháp luật và ra quyết định của các cấp, các ngành. Lĩnh vực kinh tế với trên 51% lực lượng lao động nông thôn, chị em đã tích cực tham gia vào lực lượng nòng cốt, tiếp thu, ứng dụng tiến bộ KHKT, thực hiện khâu đột phá về chuyển dịch cơ cấu cây trồng và thực hiện các mục tiêu của Đề án 939/CP của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”... Ngoài ra, ở các lĩnh vực: GD&ĐT, y tế, hoạt động văn hóa, thể thao, gia đình... chị em cũng có những đóng góp không nhỏ ở lĩnh vực được phân công, phụ trách, giữ vai trò quan trọng trong xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững”... Hằng năm tỷ lệ khu dân cư văn hóa đạt trên 80%, gia đình văn hoá đạt trên 85%.

PV: Như những gì đồng chí chia sẻ thì phụ nữ trong xã hội hiện đại, không kể vùng miền, đều có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với xã hội và trong gia đình. Chúng ta vẫn thường quan niệm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Theo đồng chí, việc “xây tổ ấm” trong xã hội hiện đại có còn là trọng trách của người phụ nữ?

Đồng chí Chu Thị Liên: Trong xã hội hiện đại, cùng với vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, không chỉ trong xã hội truyền thống mà ngay cả trong xã hội hiện đại, vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được khắc phục trong vấn đề bình đẳng giới, nhất là về mặt tư tưởng, quan điểm của cả nam giới và nữ giới đối với quan niệm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Không chỉ nam giới chưa nhận thức hoặc có thái độ không chấp nhận vai trò, vị trí của phụ nữ mà ngay chính bản thân nhiều phụ nữ cũng vẫn mơ hồ, từ đó có những thái độ lệch lạc và không thể có cách giải quyết đúng đắn các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống có liên quan đến vai trò, vị trí về giới của mình.

Phụ nữ huyện Yên Lập tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Ngày nay, phụ nữ đóng quá nhiều vai cả trong gia đình và ngoài xã hội. Và khi phụ nữ tháo vát bên ngoài để tham gia các hoạt động xã hội, kiếm tiền thì việc “xây tổ ấm”, vun đắp hạnh phúc ngoài vai trò chính của người phụ nữ, đòi hỏi sự hợp tác của phía người đàn ông trong gia đình phải có tư duy đổi mới, có tri thức và nhận thức tầm quan trọng của người phụ nữ trong xã hội hiện đại.

PV: Như vậy, trong xã hội hiện đại, phụ nữ vừa phải giỏi việc nước, vừa phải đảm việc nhà. Theo đồng chí đó có phải là đòi hỏi quá cao ở phụ nữ hay không khi họ được mệnh danh là phái yếu?

Đồng chí Chu Thị Liên: Với truyền thống “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảng đang”, phụ nữ Việt Nam ngày nay “giỏi việc nước, đảm việc nhà” tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng rộng rãi vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực.

Để đảm đương được vai trò của mình, đồng thời phát huy được hết khả năng bản thân để phát triển trong thời hiện đại, yếu tố tự thân của mỗi phụ nữ là rất quan trọng. Chỉ khi nào tính tích cực, chủ động của người phụ nữ được khơi dậy, phụ nữ mới vừa có thể đảm đương tốt công việc ngoài xã hội, vừa duy trì được mối quan hệ gia đình bền chặt, một tổ ấm hạnh phúc. Điều cốt yếu là làm sao để gia đình và xã hội tạo được những điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ phát huy được khả năng của mình, đó là: Có công việc ổn định để đảm bảo cuộc sống, có cơ hội học tập nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, các đoàn thể, câu lạc bộ, có thời gian hưởng thụ văn hóa, văn nghệ, chăm sóc sức khỏe,...

PV: Quan điểm của đồng chí trong gìn giữ hạnh phúc gia đình là gì?

Đồng chí Chu Thị Liên: Để gìn giữ hạnh phúc gia đình, mỗi người chúng ta cần sự kiên nhẫn, lòng khoan dung dựa trên những nguyên tắc, chuẩn mực của chính các thành viên trong gia đình, nhìn nhận, đánh giá ưu, khuyết điểm một cách chính xác, khách quan. Thông cảm và chia sẻ đúng lúc sẽ là động lực thúc đẩy quan hệ tốt đẹp và hóa giải được những mâu thuẫn, bất hòa cũng như sự căng thẳng dẫn đến xung đột có thể xảy ra trong quan hệ vợ chồng và gia đình. Cùng với đó, cần thống nhất trong chi tiêu, ổn định kinh tế gia đình và duy trì những bữa cơm quây quần đầy đủ các thành viên trong gia đình.

PV: Với vai trò là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích của chị em phụ nữ, Hội LHPN huyện Yên Lập sẽ có những giải pháp gì để hội viên, phụ nữ ngày càng bản lĩnh, tự tin và tỏa sáng?

Đồng chí Chu Thị Liên: Với vai trò là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích của chị em phụ nữ, trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, các cấp Hội LHPN huyện Yên Lập tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, bình đẳng, phát triển nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, vai trò, vị thế của phụ nữ; thực hiện bình đẳng giới, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em; phấn đấu thực hiện hiệu quả nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển, hội nhập và vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, các phong trào thi đua, các cuộc vận động để phát huy tốt tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ ngày càng có cơ hội tỏa sáng, vươn lên...

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về nội dung đã chia sẻ trong cuộc trò chuyện!

Nguồn: Báo Phú Thọ




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 43
  •   Tổng truy cập: 3405481