PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Hiệu quả từ mô hình xử lý rác thải của phụ nữ Tân Sơn

04/07/2018 7:50:26 SA

Huyện Tân Sơn với diện tích rộng 68.868 ha với 195 khu dân cư cùng nhiều hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp khai thác, chế biến, Tân Sơn đang có nhiều điều kiện để phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên cùng với đó, tình trạng chất thải, rác thải từ sinh hoạt và sản xuất ngày càng tăng trong khi đó việc thu gom, xử lý trên địa bàn huyện lại chưa có biện pháp giải quyết triệt để đã ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan, môi trường sống và sức khỏe của chính người dân. Dọc tuyến đường qua địa bàn huyện và các đường giao thông nông thôn do huyện quản lý đang "mọc" lên nhiều bãi rác tự phát. Vỏ chai lọ, bao nilon, bao tải rác vứt bừa bãi bên lề đường, bụi rậm, ven kênh mương, chân cầu, bờ suối. Tại một số nơi tập trung đông người như chợ, sân vận động, dù có biển "Cấm đổ rác" nhưng rác thải vẫn được người dân vứt thành đống bốc mùi khó chịu. Được biết trước kia rác thải sinh hoạt ít, các hộ gia đình trong huyện đều tự xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp. Nhưng thời gian gần đây, lượng rác thải ngày càng tăng cao. Ước tính, toàn huyện thải ra khoảng 24 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Tại khu vực trung tâm huyện, 2,3 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày của 1425 hộ dân trở thành nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Còn ở các xã, đặc biệt là một số xã có các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các hoạt động dịch vụ như Minh Đài, Xuân Sơn, Mỹ Thuận, Văn Luông, Thu Ngạc, Thu Cúc, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đi kèm với việc phát sinh một lượng chất thải nguy hại xả thải hoàn toàn ra môi trường. Ngoài ra, việc phát triển các dự án nông nghiệp tập trung như chăn nuôi gà, chăn nuôi lợn, phát triển thủy sản... và chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô nhỏ tại các hộ dân không có hệ thống xử lý chất thải dẫn đến việc nước thải chăn nuôi được xả thẳng ra vườn, ao hồ, sông ngòi, xác động vật chết không được xử lý, chôn lấp triệt để, nhiều hộ chăn nuôi theo hình thức thả rông, chuồng trại ít được xây dựng kiên cố. Tình trạng này không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân, đồng thời cũng làm mất đi mỹ quan đường làng ngõ xóm.


Hội viên phụ nữ vận hành lò đốt rác (ảnh: Báo Phú Thọ điện tử)

Xuất phát từ tình hình thực tế đó, Hội LHPN huyện xác định công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, bởi thực tế của huyện với trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán canh tác, chăn nuôi còn theo lối mòn. Bên cạnh đó trên địa bàn huyện chưa có điểm tập kết thu gom xử lý rác thải nên người dân chưa có thói quen thu gom xử lý rác và đa số xả rác trực tiếp ra sông, suối gây ô nhiễm môi trường… Do vậy, trong các năm qua Hội LHPN huyện đã đẩy mạnh thực hiện tạo khâu đột phá trong cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”,  chủ động xây dựng Kế hoạch chỉ đạo thực hiện hàng năm gắn với công việc cụ thể, xây dựng các mô hình phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Phải kể đến là mô hình  “Lò xử lý rác thải tại hộ gia đình”, đây là mô hình hết sức ý nghĩa và thiết thực trong quá trình giữ gìn và bảo vệ môi trường góp phần quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tại cơ sở… Hội LHPN huyện chủ động tìm hiểu, tham khảo mẫu lò xử lý của các địa phương, thuê thiết kế sao cho đạt hiệu quả sử dụng cao và tiết kiệm kinh phí.

Lò xử lý rác thải tại hộ gia đình được thiết kế xây dựng khá đơn giản, không chiếm nhiều diện tích, chiều cao 1,2m, rộng 80 cm x 80 cm, hình phễu, gồm: Cửa thông khí rộng 20 cm, giàn sắt để đựng rác dưới đáy. Để xây dựng hoàn chỉnh một lò đốt rác cần chuẩn bị khoảng hơn 200 viên gạch, 100 kg xi măng, ¼ khối cát, 4-6 thanh sắt làm giàn, tổng kinh phí giao động từ  500.000 – 700.000 đồng. Với ưu thế có lỗ thông khí, nên các loại rác được đốt cháy nhanh, không gây ô nhiễm môi trường, ngoài ra còn tận dụng tro từ đốt rác thải để bón cho cây trồng.

 Khi mới bắt đầu triển khai, việc thực hiện xây lò tại các xã gặp không ít khó khăn, do hội viên phụ nữ cũng như người dân chưa thấy được những ưu điểm mà lò xử lý rác thải tại hộ gia đình đem lại, tuy nhiên nhờ sự vào cuộc của các cấp các ngành và sự chỉ đạo sát sao của Hội LHPN huyện, đã chỉ đạo các cơ sở Hội thông qua các buổi sinh hoạt lồng ghép các hình thức tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, hội viên về công tác bảo vệ môi trường cũng như lợi ích tác dụng của lò xử lý rác thải tại hộ gia đình. Sau những kỳ sinh hoạt, các hội viên đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực vận động người thân trong gia đình và hàng xóm cùng giữ gìn vệ sinh môi trường với 100% cơ sở Hội đăng ký nội dung tham gia xây dựng lò xử lý rác thải tại cơ sở.

Năm 2014,  Hội LHPN huyện chủ động xây dựng Kế hoạch phối hợp với UBND huyện hỗ trợ xây dựng điểm 180 lò xử lý rác thải tại các xã chuẩn bị về đích nông thôn mới như Xuân Đài, Minh Đài, Tân Phú. Trong các năm tiếp theo Hội LHPN huyện tiếp tục  phối hợp với các phòng ban chuyên môn hỗ trợ 100 tấn xi măng cho 100 gia đình hội viên tại 02 xã Mỹ Thuận và Thu Ngạc và giao chỉ tiêu hàng năm cho 17 cơ sở Hội thực hiện, đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại phong trào công tác Hội của Hội LHPN xã. Qua sử dụng, lò đốt rác thải đã phát huy hiệu quả rõ rệt, tiện lợi, không gây ô nhiễm môi trường, từ đó được các hội viên đồng tình ủng hộ và nhân rộng, đến nay trên địa bàn huyện đã có 726 lò đốt rác đảm bảo xử lý rác thải trong khu dân cư. Mô hình này đã được cấp ủy chính quyền huyện ghi nhận đánh giá cao và được Hội LHPN huyện Yên Châu – tỉnh Sơn La đến thăm quan và học tập kinh nghiệm.

Để đạt được những kết quả đó là nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, sự quan tâm và tạo điều kiện về cơ sở vật chất của UBND huyện và các phòng ban chuyên môn trong công tác phối hợp, sự vào cuộc của Đảng ủy, UBND các xã trên địa bàn huyện trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của người.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt công tác bảo vệ môi trường xây dựng lò xử lý rác thải của Hội LHPN huyện cũng gặp không ít những khó khăn: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương thiếu sát sao trong công tác lãnh chỉ đạo, chưa thực sự quan tâm đến công tác môi trường còn coi đây là công việc chung của Hội phụ nữ. Một số khu dân cư chưa thực sự vào cuộc, mặc dù đã được Hội LHPN tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, thậm chí cắm biển “Đoạn đường tự quản” nhưng vẫn còn tình trạng rác được xả trực tiếp tại chỗ.

Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, để nâng cao hiệu quả mô hình lò xử lý rác thải trên địa bàn trong năm 2018 và những năm tiếp theo Hội LHPN huyện tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp giữa UBND huyện và các phòng ban chuyên môn trong công tác bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình xử lý rác thải tại các xã, các khu dân cư, đặc biệt tập trung mô hình xử lý rác thải tại các khu dân cư đạt chuẩn văn hóa. Đồng thời đề nghị Huyện ủy, HĐND,UBND và các Phòng ban chuyên môn của huyện quan tâm hơn nữa và tạo nhiều điều kiện hỗ trợ về cơ sở, vật chất để MTTQ và các Đoàn thể nói chung, Hội LHPN huyện nói riêng làm tốt công tác bảo vệ môi trường, xây dựng lò xử lý rác thải tại các khu dân cư, nâng cao nhận thức của người dân trong chấp hành quy định về xử lý rác thải.

Nhiều tuyến đường làng ngõ xóm giờ đây đã khang trang, sạch đẹp, không còn bãi rác, điểm tập kết rác thải gây bức xúc cho nhân dân như những năm trước. Môi trường cải thiện góp phần tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe người dân, đến nay đã mang lại hiệu quả cao, toàn huyện đã có trên 85% hộ gia đình trên địa bàn hưởng ứng cuộc vận động này và đi vào từng ngõ xóm thực sự sáng – xanh - sạch - đẹp, góp phần tích cực cùng trong công tác xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh./.

Ban Tuyên giáo




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 33
  •   Tổng truy cập: 3452541