PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Tiền đề để Đại hội thành công

02/02/2021 10:00:00 SA

Toàn cảnh Đại hội XIII của Đảng
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, kết thúc sớm hơn gần 2 ngày so với kế hoạch. Sự thành công của Đại hội cho thấy công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sát sao. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại địa điểm diễn ra Đại hội được tăng cường trong suốt thời gia diễn ra Đại hội.

Là sự kiện chính trị, một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta. Đại hội diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo; đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thách thức với rất nhiều vấn đề mới đặt ra, nhưng với phương châm: Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển, Đại hội lần này không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng mà còn nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020; đồng thời, đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021-2026, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). 

Trình bày các dự thảo văn kiện tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện khẳng định: Quá trình chuẩn bị các văn kiện được thực hiện trong hơn 2 năm với gần 60 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm do Tiểu ban Văn kiện phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các bộ, ban ngành ở Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức; thành lập 50 đoàn đi khảo sát thực tế, làm việc xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, tham vấn ý kiến các chuyên gia; tổ chức tọa đàm với một số tổ chức quốc tế, 2 đoàn đi khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài. Các cơ quan nghiên cứu lý luận, khoa học đã gửi khoảng 80 báo cáo tư vấn, kiến nghị cho các Tiểu ban. Các Tiểu ban đã tiến hành 20 phiên họp để thảo luận, thông qua Đề cương và các dự thảo văn kiện. Bộ Chính trị đã họp nhiều lần để cho ý kiến hoàn thiện Đề cương và các dự thảo văn kiện trình xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương tại các Hội nghị Trung ương 10, 11, 14 và 15. Các dự thảo Báo cáo đã được chỉnh lý, sửa chữa khoảng 30 lần và được gửi xin ý kiến rộng rãi của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể... Bộ Chính trị đã quyết định cho công bố công khai toàn văn các dự thảo Báo cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng để lắng nghe ý kiến rộng rãi của nhân dân. Đã có hàng triệu lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện và được tổng hợp gửi về Trung ương; các ý kiến đóng góp được tổng hợp lại thành 1.410 trang; báo cáo tổng hợp chung gần 200 trang. 

Đóng góp ý kiến vào văn kiện trình tại Đại hội, các đại biểu đều đánh giá văn kiện trình Đại hội đã được chắt lọc qua nhiều lần tổ chức, lấy ý kiến trong suốt hơn 2 năm qua. Đây là sản phẩm hội tụ, kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; thể hiện rõ “ý Đảng, lòng dân”.

Ngoài việc chuẩn bị tốt văn kiện, công tác chuẩn bị nhân sự được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, sự đoàn kết, thống nhất cao; đồng thời, tiến hành một cách khoa học, bài bản theo phương châm: Làm từng bước, từng việc, từng khâu, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó. Thực hiện có hiệu quả quan điểm xử lý hài hòa, hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa chuyên môn đào tạo và sở trường, năng lực thực tiễn; giữa kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả; bảo đảm phù hợp về cơ cấu theo địa bàn, lĩnh vực công tác, độ tuổi, giới tính, dân tộc…, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Kiên quyết không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương nhưng cũng không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và trong Nhân dân. Trên cơ sở kết quả công tác chuẩn bị nhân sự, tại các Hội nghị Trung ương lần thứ 13, 14 và 15, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, thống nhất cao danh sách nhân sự đề cử để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xem xét, bầu cử theo quy định.

Sau hơn 2 ngày nghiên cứu hồ sơ từng đồng chí ứng viên, đại hội đã lựa chọn để bầu nhân sự cấp cao là những người thật sự có tâm, tầm, đặt địa vị, lợi ích của tập thể, nhân dân lên trên hết. Với đội ngũ 200 người (bao gồm cả Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng), các đại biểu cũng như nhân dân cả nước đều kỳ vọng Ban chấp hành Trung ương khóa mới sẽ đưa ra những quyết sách đúng đắn để Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu: Đến năm 2025, nước ta là nước phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đại hội đã thành công tốt đẹp, mở ra một chặng đường mới cho đất nước cho dân tộc. Với khí thế mới, quyết tâm mới, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo đất nước sẽ có hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đưa đất nước ta lên tầm cao mới phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Nguồn: PTĐT



Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 55
  •   Tổng truy cập: 3391618