PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp

04/03/2019 9:37:57 SA


t1-4mau-1551480404 
Hội viên phụ nữ khu 10, thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy phát triển kinh tế - xã hội từ kinh doanh tổng hợp.

Khởi nghiệp đã và đang trở thành chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế và tạo việc làm ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh ta nói riêng. Hiện nay phụ nữ trong tỉnh chiếm trên 50% lao động xã hội và khởi nghiệp, phát triển kinh doanh là một trong những giải pháp giúp phụ nữ tự tạo việc làm bền vững, làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội.

Thực hiện Quyết định 939 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là căn cứ khơi nguồn cho phụ nữ khởi nghiệp, góp phần thực hiện các chỉ tiêu: 90% cán bộ hội chuyên trách các cấp và cán bộ các sở, ngành tham gia triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 1.000 phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 30% chủ doanh nghiệp là nữ và 90% doanh nghiệp nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển bền vững; phối hợp hỗ trợ thành lập ít nhất 10 tổ hợp tác/ HTX do phụ nữ quản lý và 500 tổ/ nhóm liên kết phát triển kinh tế. Thành lập Hội nữ doanh nhân tỉnh.

Sau khi đề án được triển khai thực hiện, Hội LHPN tỉnh đã lựa chọn ngày 8-3 hàng năm là ngày “Phụ nữ khởi nghiệp”, hướng dẫn phụ nữ cách xây dựng ý tưởng, dự án kinh doanh và tìm kiếm nhà đầu tư; hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh khả thi; hỗ trợ pháp lý xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho những dự án mới sáng tạo; hỗ trợ tiếp cận tín dụng; phát triển Hợp tác xã, tổ hợp tác… Năm 2018, Hội LHPN tỉnh đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Phụ nữ khởi nghiệp” ở 3 huyện: Đoan Hùng, Thanh Ba, Thanh Sơn; tổ chức 16 lớp tập huấn nâng cao kiến thức  về kinh tế tập thể cho 1.120 cán bộ, hội viên phụ nữ, Ban quản lý HTX, tổ hợp tác…

Không phải huyện được chọn triển khai thí điểm mô hình “Phụ nữ khởi nghiệp” nhưng huyện Yên Lập đã triển khai tốt đề án này nhất là trong việc thành lập các nhóm liên kết phụ nữ phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương. Thăm quan các mô hình “Phụ nữ khởi nghiệp” trên địa bàn huyện Yên Lập mới thấy được sự nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn của các hội viên để có được cơ sở như hiện nay. Từ mô hình điểm tại nhóm may gia công gồm 17 thành viên do chị Nguyễn Thị Hà- khu 11 xã Ngọc Đồng làm trưởng nhóm đã hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập từ 4,5 đến 8 triệu đồng/ người/ tháng, Hội LHPN huyện đã nhân rộng được nhiều mô hình “Phụ nữ khởi nghiệp”. Hiện nay, trên địa bàn huyện có các tổ, nhóm liên kết hoạt động hiệu quả như: Tổ liên kết dồn đổi ruộng đất sản xuất nếp Gà Gáy xã Mỹ Lung; Tổ phụ nữ liên kết trồng, sản xuất chè sạch ở xã Ngọc Lập; Nhóm liên kết trồng bưởi Diễn ở xã Phúc Khánh; Nhóm liên kết trồng cây có múi xã Xuân Thủy…

Trong 2 năm 2017 và 2018, ở Yên lập đã thành lập được 27 tổ, nhóm phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hội viên phụ nữ. Chị Đinh Thị Thanh- Nhóm trưởng nhóm may gia công ở xã Lương Sơn cho biết: “Phụ nữ ở miền núi như chúng tôi khi có con nhỏ rất khó để đi làm ở các công ty vì giờ giấc và khoảng cách đi lại xa nên việc thành lập các tổ nhóm may gia công rất thuận lợi cho mọi người có thêm thu nhập mà vẫn đảm đương được việc nhà”. Trong năm nay, Hội LHPN huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, nhất là những ý tưởng kinh doanh, sáng tạo để nhận được sự đầu tư của Trung ương Hội và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, đồng thời tiến hành lựa chọn, giúp đỡ những hội viên phụ nữ có ý tưởng sáng tạo trong khởi nghiệp như: Sử dụng cáp treo phục vụ mô hình trồng cam Vinh và trồng dứa trên núi cao của chị Triệu Thị Lưu ở khu 1, xã Nga Hoàng (với ý tưởng sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch trải nghiệm khi kết hợp tham quan Hồ Ly và Thác Khỉ Dòm)…


t2-den-trang01-1551480430
Nhóm liên kết may gia công ở xã Lương Sơn, huyện Yên Lập tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn chục lao động nữ tại địa phương.

Không chỉ ở Yên Lập mà ở các huyện, thành, thị trong tỉnh, phụ nữ cũng đã tham gia khởi nghiệp với những mô hình kinh doanh sáng tạo đã đạt được hiệu quả như: HTX chè sạch xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn; mô hình sản xuất dầu lạc, vừng của phụ nữ huyện Cẩm Khê; mô hình trồng rau thủy canh của phụ nữ xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh; mô hình sản xuất nấm rơm sạch của phụ nữ huyện Đoan Hùng; mô hình liên kết trồng lúa chất lượng cao của phụ nữ xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba…

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.700 doanh nghiệp do nữ làm chủ và nhiều chị đã thành công như: Chị Đào Kim Chuyên- Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư giáo dục và Tài chính Kế toán ASIA; chị Hồ Thị Thu Thủy - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân thương mại Thủy Chính; chị Bùi Thị Chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất vật liệu xây dựng Chính Thời, chị Bùi Thị Mão- Giám đốc Công ty TNHH chè Hoài Trung… Nhằm phát huy tiềm năng và sức sáng tạo của đội ngũ nữ doanh nhân tỉnh, để cùng vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên, tạo cơ hội, trao sức mạnh cho phụ nữ phát triển, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, năm 2018, Hội nữ doanh nhân tỉnh đã được thành lập gồm 110 hội viên với phương châm đoàn kết lấy đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh để phát triển bền vững.

Chị Đinh Thị Thức - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tân Phong, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh cho biết: “Trên con đường lập nghiệp của các doanh nghiệp nữ chắc chắn còn không ít khó khăn thử thách, để khởi nghiệp thành công, chị em phụ nữ luôn cần cù sáng tạo và giữ chữ tín cho doanh nghiệp, chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những doanh nghiệp mới thành lập để cùng phát triển bền vững”.  

Để thực hiện tốt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt Hội Liên hiệp phụ nữ cần là cầu nối, đồng hành cùng hội viên, tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho phụ nữ, gắn kết chặt chẽ với việc giới thiệu, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay thúc đẩy phụ nữ mạnh dạn bắt đầu công việc kinh doanh dưới hình thức kinh tế hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp hoặc phát triển quy mô, loại hình sở hữu thông qua ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao. Cùng với đó, bản thân mỗi hội viên phụ nữ cần sẵn sàng dấn thân, tích cực học hỏi, thật sự đam mê, tự tin vào bản thân, không ngại khó, ngại khổ… sẽ là chìa khóa để chị em khởi nghiệp thành công.

Nguồn: Báo Phú Thọ điện tử




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 25
  •   Tổng truy cập: 3406927