PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Phòng, chống bạo lực gia đình: Trách nhiệm từ nhiều phía

06/12/2018 8:51:18 SA

Cán bộ Hội phụ nữ xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng tuyên truyền cho hội viên về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình (BLGĐ) ở tỉnh ta không chỉ xuất hiện tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa - nơi nhận thức về lĩnh vực gia đình và phòng, chống BLGĐ còn nhiều hạn chế mà ngay cả ở thành thị nơi đời sống phát triển tình trạng này vẫn xảy ra. Mặc dù đã giảm về số vụ song tính chất, mức độ nghiêm trọng của các vụ BLGĐ thời gian gần đây lại gia tăng, để lại hậu quả lớn và gây bức xúc trong cộng đồng. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, ngành, đoàn thể để BLGĐ không còn chỗ đứng trong mỗi gia đình.

Khi “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”

Đầu năm 2018, một vụ án mạng xảy ra tại xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập khiến nhiều người bàng hoàng. Vào khoảng 22h ngày 8-1, khi Đinh Văn H. (34 tuổi) đi uống rượu với bạn về nhà thì xảy ra mâu thuẫn với vợ là chị Phùng T.N. (30 tuổi). Trong lúc cự cãi, H. đã dùng dao nhọn đâm 3 nhát vào ngực khiến chị N. tử vong. Sau khi gây án, H. đến công an xã Xuân Thủy đầu thú. Tại cơ quan công an, bước đầu H. khai, do nghi vợ có quan hệ bất chính nên khi uống rượu với bạn về, H. cãi nhau với vợ. Vì không kiềm chế được bản thân, H. đã xuống tay sát hại dã man vợ mình. Chính quyền địa phương cho biết, hơn 10 năm nên duyên vợ chồng, H. và chị N. đã có với nhau 3 mặt con. Tuy vậy, những năm gần đây, tình cảm vợ chồng H. bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt. Nguyên nhân xuất phát từ thói ghen tuông của H. “Căn bệnh” này khiến đầu óc H. không lúc nào không thôi ngờ vực rằng vợ mình lén lút quan hệ bất chính bên ngoài, dù rằng không có bất cứ bằng chứng nào rõ ràng. Có những lần, khi đi làm, chị N. chỉ đứng trao đổi công việc với một người khác giới trong tổ thợ cũng khiến H. bực bội. Sau những lần như vậy, về nhà vợ chồng lại xảy ra mâu thuẫn, cãi cọ. Thậm chí không ít lần, H. thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ khiến gia đình luôn sống trong không khí ngột ngạt.

Ngay tại phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì cách đây nửa năm cũng xảy ra vụ án chồng chém vợ gây thương tích nghiêm trọng. Do mâu thuẫn vợ chồng, sau khi lời qua tiếng lại, Trần Quang Đ. sinh năm 1982 ở thôn Lang Đài, phường Bạch Hạc đã dùng dao chém nhiều nhát vào người vợ là chị Lê Thị T. sinh năm 1988 khiến chị bị thương nặng, phải nhập viện cấp cứu lúc nửa đêm. Sau khi xảy ra sự việc, Đ. đã đến cơ quan công an đầu thú về hành vi của mình… Xuất phát từ những bất đồng trong cuộc sống mà một gia đình vốn êm ấm, thuận hòa đã trở nên tan nát. Đứa con gái 8 tuổi của chị T. bỗng dưng bơ vơ khi mẹ phải nằm viện dài ngày do vết thương quá nặng còn bố vướng vào vòng lao lý.

Thực tế cho thấy, khi mỗi gia đình “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” thì sóng gió liên tiếp xảy ra và để lại hậu quả hết sức nặng nề. Theo thống kê, 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hơn 4.600 vụ BLGĐ, trong đó, đối tượng bị BLGĐ là nữ giới chiếm gần 81%, chủ yếu ở độ tuổi từ 16-59, chiếm gần 90%. BLGĐ xảy ra dưới nhiều hình thức, trong đó bạo lực thân thể chiếm trên 55%, bạo lực tinh thần chiếm gần 33%, bạo lực kinh tế 7,1% và bạo lực tình dục chiếm 4,55%. Đã có không ít cuộc hôn nhân tan vỡ, nhiều gia đình tan nát và cả những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần dai dẳng vì hành vi BLGĐ. Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, mặc dù số vụ ly hôn từ đầu năm đến nay đã giảm khoảng 1/3 so năm 2017 và 2016 xuống còn gần 2.000 vụ, nhưng vẫn còn 76 vụ ly hôn do BLGĐ. Từ sự tức giận, không làm chủ được bản thân mà một số người đã có những hành vi bạo lực đối với chính người thân của mình, gây ra những kết cục đau lòng và để lại hậu quả nặng nề cho người thân, gia đình và xã hội. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 22 vụ BLGĐ phải xử lý hình sự, 18 vụ xử phạt hành chính…

Phụ nữ xã Thanh Nga, huyện Cẩm Khê tự tạo việc làm từ nghề đan mũ cọ mang lại thu nhập ổn định, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình.

Trách nhiệm từ nhiều phía

Chính bởi những hệ lụy nghiêm trọng từ BLGĐ mà thời gian qua, công tác phòng, chống BLGĐ đã được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp tích cực. Tham gia buổi tuyên truyền về thực hiện Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống BLGĐ do Hội Phụ nữ xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng thực hiện tại gia đình hội viên, chúng tôi phần nào thấy được sự nỗ lực của Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã trong công tác phòng, chống BLGĐ. Là xã thuần nông, đời sống của người dân ở xã Chí Đám còn nhiều vất vả, song nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể nên sau nhiều năm triển khai mô hình phòng, chống BLGĐ đã thu được kết quả tích cực. Tình hình bạo lực gia đình ở các khu dân cư đã giảm rõ rệt, người dân yên tâm sản xuất, xây dựng cuộc sống gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Chị Phạm Thị Phong Thơ - Chủ tịch Hội phụ nữ xã cho biết: “Trước kia, khi Luật Phòng, chống BLGĐ còn chưa được tuyên truyền sâu rộng, ở xã cũng xảy ra nhiều vụ bạo lực gây hậu quả lớn. Khi ấy, phát huy vai trò của 19 địa chỉ tin cậy đặt tại nhà cán bộ Hội phụ nữ và Trưởng Ban công tác mặt trận hoặc người có uy tín đã đến trực tiếp từng nhà động viên, chia sẻ và hòa giải mâu thuẫn, đồng thời là nơi tạm lánh cho các nạn nhân. Nhờ đó, nhiều gia đình đã trở lại cuộc sống bình thường, chú tâm làm ăn, nuôi dạy con cái”.

Không chỉ ở xã Chí Đám mà việc duy trì hoạt động các câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, tổ phụ nữ “Không sinh con thứ 3”, “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”… trong đó, điển hình là mô hình “Ngôi nhà bình yên”; “Phòng tham vấn” tại Hội LHPN tỉnh, tổ hoà giải ở các khu dân cư và các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc của hội phụ nữ các cấp đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống BLGĐ. Thông qua các mô hình, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, cách ứng xử xây dựng gia đình hạnh phúc. Công tác phòng, chống BLGĐ gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, trong đó có tiêu chí gia đình không có bạo lực.

Tại các địa phương trong tỉnh, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGĐ cũng được chú trọng, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm người dân, của mỗi gia đình trong việc thực hiện pháp luật. Đã xây dựng được 243 mô hình phòng, chống BLGĐ, qua đó phát hiện, tuyên truyền và tư vấn nhiều vụ việc BLGĐ; góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, giữ gìn an ninh trật tự tại cộng đồng khu dân cư… 9 tháng đầu năm 2018, các tổ hòa giải ở khu dân cư đã phát huy vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, thuyết phục, tháo gỡ mâu thuẫn nảy sinh trong mỗi gia đình. Kết quả, hoàn giải thành 95 vụ việc mâu thuẫn có yếu tố BLGĐ.

Phòng, chống BLGĐ còn được tiến hành đồng bộ bằng nhiều giải pháp, song lấy phòng là chính. Biện pháp tốt nhất để phòng BLGĐ là tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hành vi bạo lực.

Ca dao Việt Nam có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê” để thấy rằng bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan chức năng, cộng đồng, xã hội thì mỗi thành viên trong gia đình cũng cần học cách ứng xử tế nhị, tôn trọng giúp đỡ nhau. Có như vậy BLGĐ mới không còn mà thay vào đó là không khí hoà thuận, đầy ắp tiếng cười trong mỗi mái nhà.

Nguồn: Báo Phú Thọ điện tử




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 26
  •   Tổng truy cập: 3392507