PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Phát huy vai trò của phụ nữ trong vận động phát triển BHYT Kỳ II: Khó khăn, thách thức và giải pháp

27/04/2020 7:49:35 SA

img5972-1587689147
Hội LHPN tỉnh và BHXH tỉnh ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2020 - 2023.

 

>>> Kỳ I: Đa dạng các mô hình vận động

Thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa tích cực trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu toàn tỉnh có 93% dân số tham gia BHYT vào năm 2020 thì cần có những giải pháp đồng bộ, căn cơ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, trong đó có tổ chức Hội phụ nữ và các hội viên…

Những khó khăn, thách thức

Trải qua giai đoạn thực hiện chương trình phối hợp, vận động, có thể rút ra mục tiêu cốt lõi của việc phát triển BHYT chính là giúp hội viên phụ nữ chăm sóc sức khỏe, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tạo cơ sở, tiền đề, nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Để làm được điều này, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT phải là mục tiêu, nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, từng bước hướng tới BHYT toàn dân. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHYT của các cấp Hội có một số khó khăn, vướng mắc như: Nhận thức của hội viên phụ nữ về BHYT còn hạn chế; tập quán, thói quen tự chữa bệnh cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ tham gia BHYT; điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn dẫn đến tình trạng khi có bệnh thường tự mua thuốc để điều trị tại nhà, chỉ tham gia BHYT khi bị bệnh nặng. 


Bên cạnh đó, thu nhập người dân không đồng đều; chất lượng khám, chữa bệnh BHYT có nơi, có chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu khám và điều trị bệnh, chưa tạo được niềm tin cho người dân khi tham gia BHYT. Việc thực hiện mô hình ở một số cơ sở hội còn mang tính hình thức, chưa đặt ra các chỉ tiêu cụ thể và có hướng dẫn phương pháp, cách thức xây dựng, thực hiện mô hình. Đặc biệt chưa chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật BHYT tới 100% hội viên phụ nữ mặc dù đây là nội dung quan trọng bởi chị em thường là người giữ "tay hòm chìa khóa” trong gia đình, họ có nhận thức được ý nghĩa của việc tham gia mua BHYT thì mới tích cực, tự nguyện tham gia mua BHYT cho mình và người thân. Cùng với đó, công tác tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền BHYT, BHXH chưa thật sự ưu tiên chọn những địa bàn có tỷ lệ hội viên, phụ nữ tham gia BHYT thấp, nhận thức về BHYT còn hạn chế. Công tác rà soát, thống kê số lượng hội viên, phụ nữ chưa mua BHYT và tìm hiểu kỹ nguyên nhân hội viên, phụ nữ chưa tham gia cũng chưa được thường xuyên.

Tại khu 13, xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, thực hiện chính sách mua thẻ BHYT tự nguyện theo hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Chi hội 13 hiện có 132 hội viên. Đây là khu có tỷ lệ hội viên phụ nữ sống chủ yếu bằng nông nghiệp, đời sống khó khăn, một số hội viên còn trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, vận động nhưng đến nay mới có 90 hội viên mua thẻ BHYT và tỷ lệ tham gia mua BHYT của khu mới đạt trên 70%.  

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền -  Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Việc vận động mua BHYT tại Hạ Hòa còn chưa cao là do địa bàn rộng, dân số đông, dân cư sống không tập trung; một số xã giao thông đi lại khó khăn nên ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền đến từng nhà hội viên. Khả năng tuyên truyền, vận động của một số cán bộ chi tổ hội còn hạn chế, chưa thuyết phục được đông đảo hội viên; tinh thần trách nhiệm một số cán bộ đại lý thu chưa cao.

Ngoài ra, theo số liệu tổng hợp thẻ BHYT qua kênh Hội LHPN cấp cơ sở, trong khi mô hình “Nhóm phụ nữ tương trợ mua BHYT hộ gia đình” được nhân rộng và hoạt động khá thành công ở Đoan Hùng, thành phố Việt Trì, Lâm Thao, thị xã Phú Thọ… thì còn nhiều địa phương đạt hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của tổ chức hội một số địa phương thực hiện chưa thường xuyên, còn có sự lỏng lẻo trong công tác phối hợp giữa hai ngành BHXH và Hội LHPN đối với việc phát triển BHYT, thậm chí mới chỉ dừng lại ở một 1-2 hoạt động hội nghị, tập huấn tuyên truyền trong năm. Qua tìm hiểu được biết, nhiều phụ nữ không muốn tham gia mô hình vì cho rằng, có tiền thì họ tự mua, không cần phải thông qua Hội Phụ nữ, không cần góp tiền hàng tháng rồi chờ đợi đến lượt mình, mất thời gian và phức tạp...; một số cán bộ hội chưa tận tâm với phong trào, chưa phát huy tinh thần trách nhiệm và sự cần cù, nhẫn nại nên mô hình chưa thực sự thành công và duy trì bền vững.


img6287-1587689160

Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, hội viên phụ nữ các cấp được tiếp cận các chính sách bảo hiểm thông qua các tài liệu do Hội LHPN tỉnh phối hợp với BHXH tỉnh biên soạn.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT ở địa phương theo kế hoạch, BHXH tỉnh đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng mở rộng đối tượng tham gia BHYT, tập trung vào nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai cho thấy, khi thực hiện mô hình “Nhóm phụ nữ tương trợ mua BHYT hộ gia đình” cần có sự định hướng, bàn giải pháp phù hợp cho từng tổ, chi hội, đảm bảo mua đủ BHYT luân phiên cho các thành viên, tùy tình hình thực tế, các tổ nâng dần mức đóng tiết kiệm hơn. Ngoài ra có thể thực hiện bằng các hình thức tiết kiệm khác để các thành viên tham gia BHYT không bị ngắt quãng, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi tham gia 5 năm liên tục. Các hộ khá giả hơn thì có thể đóng mức cao hơn, mang tính chất chia sẻ, hỗ trợ các thành viên còn lại, hoặc chủ động dùng tiền của cá nhân mua BHYT nhường lượt cho các gia đình khác. Với các hộ đặc biệt khó khăn, các chị, em cũng chủ động vận động các nhà tài trợ để hỗ trợ thêm mua BHYT.

Chị Nguyễn Thị Mai Lan- Chủ tịch Hội LHPN thị xã Phú Thọ cho biết: Xác định BHYT là động lực quan trọng, góp phần nâng cao mức sống cho hội viên, Hội LHPN thị xã đã tích cực tuyên truyền, vận động công tác triển khai chính sách pháp luật về BHYT, BHXH nói chung và phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nói riêng, từng bước mở rộng, gia tăng đối tượng tham gia BHYT.  

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, qua khảo sát tại các địa phương, số người tham gia BHYT hộ gia đình chưa xứng với tiềm năng trong khi các nhóm đối tượng khác đều đạt tỷ lệ cao, một số nhóm đạt tỷ lệ tuyệt đối. Vì vậy, BHXH tỉnh đã và đang chú trọng tuyên truyền trực tiếp đến nhóm hộ gia đình; đồng thời tiếp tục mở rộng hệ thống đại lý thu BHYT, phát huy vai trò của tổ chức hội phụ nữ để vận động hội viên tham gia.    
  
Ông Nguyễn Tá Tỉnh - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Chính sách BHYT được đánh giá như “phao cứu sinh” để giúp người dân thoát khỏi “bẫy nghèo” y tế. Việc tham gia BHYT không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn chia sẻ gánh nặng tài chính, chi phí khám chữa bệnh đối với từng người dân. Thực tế trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ đã rất tích cực, chủ động vận động hội viên tham gia phát triển BHYT, kết quả đạt và vượt so với chỉ tiêu được giao, đặc biệt là nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về các chính sách, chế độ, quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia mua BHYT, phụ nữ được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội. 

Cũng theo ông Tỉnh, để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp Hội LHPN tỉnh ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2020-2023 về tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách; hội thi tuyên truyền; các lớp tập huấn, truyền thông… Phối hợp duy trì hiệu quả và nhân rộng mô hình “Nhóm phụ nữ tương trợ mua BHYT hộ gia đình”; tiếp tục thành lập các đại lý thu do Hội phụ nữ trực tiếp đảm nhiệm; vận động tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia BHYT, hướng tới phát triển BHYT toàn dân bền vững.

Nguồn: Báo Phú Thọ điện tử




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 27
  •   Tổng truy cập: 3406634