PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Lộ lọt dữ liệu thông tin trẻ em từ sự vô ý của cha mẹ

31/05/2023 8:40:31 SA

Thông tin của trẻ em nói riêng và thông tin cá nhân được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội và dễ tiếp cận. Việc bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng cần sự vào cuộc của toàn xã hội, trước hết là từ cha mẹ.

Lừa đảo lợi dụng trẻ em tăng

Em P, 14 tuổi (Bắc Giang) đầu năm 2023 nhận được điện thoại từ đối tượng lạ giới thiệu từ một đơn vị vui chơi có thưởng. Ban đầu là đoán trò chơi và dần dần tích điểm với phần thưởng ban đầu là thỏi son. Sau này, khi đối tượng hướng dẫn chuyển tiền và dọa đăng thông tin nhạy cảm, em P nghi ngờ và gọi điện đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Tổng đài 111) tư vấn. Từ chia sẻ của em P với Tổng đài 111 cho thấy, việc lộ lọt thông tin từ tên lớp, tên trường và cả bạn bè có thể từ việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

“Qua nghiên cứu các vụ việc từ tư vấn Tổng đài 111 cho thấy, các đối tượng lừa đảo nghiên cứu rất kỹ về nạn nhân qua việc thu thập dữ liệu thông tin trước đó. Khi gọi điện hoặc chat với nạn nhân, đối tượng rất hiểu tâm lý nạn nhân để trò chuyện và mục tiêu hướng tới lừa đảo”, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết.

Chuyên viên Tổng đài 111 tư vấn hỗ trợ trẻ em. Ảnh: XC

Về việc tình trạng đối tượng lừa đảo gọi điện cho phụ huynh thông báo con bị cấp cứu trong bệnh viện cần chuyển tiền để bác sĩ mổ gấp vừa nổi lên vừa qua, theo bà Nguyễn Thị Nga, những vụ việc trên là lợi dụng trẻ em để lừa đảo nhưng vấn đề được đặt ra là đối tượng lừa đảo lấy thông tin của trẻ em ở đâu để gọi điện cho bố mẹ? Đó là một phần từ việc chia sẻ vô tình những bằng khen, bảng điểm, hay những hình ảnh của bố mẹ lên mạng xã hội.

Về vấn đề thu thập thông tin dữ liệu trẻ em, bà Đinh Thị Như Hoa, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Cứ mỗi dịp cuối học kỳ, cuối năm học, các phụ huynh lại thi nhau đăng khoe bảng điểm, bằng khen, giấy khen… của con mình lên face mà không che những thông tin cá nhân, vô tình là lỗ hổng để kẻ gian thực hiện hành vi lừa đảo”.

Nguyên nhân lộ lọt thông tin tiếp theo, bà Đinh Thị Như Hoa cho rằng, có nhiều trang web thu thập thông tin nhưng chưa có các cam kết với bên thứ ba dẫn đến việc lộ lọt bởi chính người quản lý dữ liệu hoặc bởi bên thứ ba. Với tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng thì có nhiều trang web lừa đảo được lập ra nếu người dùng là bố mẹ trong quá trình sử dụng có thể đã nhập thông tin cá nhân vào.

Theo chuyên gia Bùi Duy Thành, đại diện World Vision Việt Nam, hành vi đánh cắp thông tin cá nhân của trẻ chỉ là bước đầu tiên, sau đó kẻ xấu sẽ lợi dụng thông tin lấy được để tiếp tục xâm hại, bắt nạt trẻ.

Chia sẻ tác động của những thông tin độc hại trên môi trường mạng đối với trẻ em, ông Đỗ Dương Hiển, đại diện Childfund Việt Nam cho biết: Trong quá trình làm việc và thực hiện các khảo sát đánh giá cho thấy có những bằng chứng rõ ràng về việc ảnh hưởng tâm lý của trẻ khi tiếp xúc với thông tin không phù hợp. Có số liệu cho thấy 20% trẻ em có những cảm giác sợ hãi, ghê tởm khi xem các clip bạo lực và hành vi tình dục trong 1 tháng sau khi tiếp cận thông tin.

Cũng theo ông Hiển, đã có một báo cáo của quốc tế năm 2022 cho biết có 1 triệu báo cáo của các công ty công nghệ đến từ Việt Nam liên quan đến hình ảnh xâm hại tình dục trẻ em trên mạng, tăng 20% so với 2021. Số lượng hình ảnh xâm hại được tải lên từ người dùng ở Việt Nam.

Từ góc độ của doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng Giám đốc nền tảng tìm kiếm Cốc Cốc, các cơ chế lừa đảo tập trung vào yếu tố con người. Kẻ lừa đảo tạo niềm tin để người bị lừa đảo làm theo yêu cầu. Cái mới là kẻ lừa đảo dùng thông tin của trẻ em để lừa đảo và kiếm tiềm. Có hai yếu tố chính là các bên lừa đảo tập trung vào các kênh dễ nhất đó là điện thoại, SMS hay qua kênh mạng.

“Thông tin của trẻ em nói riêng và thông tin cá nhân chia sẻ trên mạng là điều rất dễ tiếp cận. Trên điện thoại tìm từ khoá mua dữ liệu học sinh sẽ rất dễ”, ông Nguyễn Anh Vũ cảnh báo.

Ý thức an toàn thông tin từ chính phụ huynh

Liên quan đến vấn đề bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng, bà Đinh Thị Như Hoa cho biết: “Sai lầm phổ biến nhất của phụ huynh khi cho rằng nội dung khiêu dâm chỉ có trên các website khiêu dâm. Nhưng trên thực tế, nội dung này có ở khắp mọi nơi và trẻ có thể dễ dàng tiếp cận được. Theo số liệu khảo sát, 23% trẻ em cho biết các em vô tình thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng, có thể là từ nội dung quảng cáo hoặc mạng xã hội, hoặc đối tượng gửi link trang web khiêu dâm qua các bình luận. Vì vậy, việc chặn các trang web khiêu dâm là không đủ và không hiệu quả, trẻ cần một công cụ mạnh mẽ, hiệu quả hơn với khả năng chặn lọc ở bất kỳ trang web nào và bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, các công cụ hiện tại chỉ giới hạn trong xử lý hình ảnh và văn bản, vì việc xử lý video đòi hỏi công nghệ phức tạp nên hầu như không có công cụ chặn lọc hỗ trợ cho video, đặc biệt là đối với các trình duyệt và ứng dụng. Phụ huynh cần cân nhắc chỉ cho trẻ em video từ các nguồn uy tín như YouTube Kids, đồng thời kết hợp sử dụng các công cụ lọc nội dung để bảo vệ trẻ tối đa”.

Cũng theo bà Hoa, độ tuổi trung bình trẻ sở hữu điện thoại là 9, trong khi độ tuổi trung bình khi trẻ được trao đổi về an toàn trên mạng là 13 tuổi nên có khoảng trống về nhận thức, kiến thức, kỹ năng để trẻ em tự bảo vệ trong giai đoạn này.

Trẻ em tiếp xúc với mạng xã hội ngày càng nhiều.

Còn theo ông Nguyễn Anh Vũ cho biết: “Các công cụ tìm kiếm cũng đã phát triển công cụ để bảo vệ người dùng. Chẳng hạn như khả năng tìm kiếm an toàn để lọc bớt các nội dung không phù hợp; có thể cập nhật website lừa đảo, nguy hiểm cho người dùng. Chúng tôi cũng có kế hoạch ra mắt trình duyệt riêng cho trẻ em. Nhưng yếu tố cuối cùng quan trọng nhất vẫn là cha mẹ phải để ý con mình làm gì trên mạng. Trẻ em dưới 13 tuổi không nên sử dụng mạng xã hội và phụ huynh phải theo dõi trẻ dưới 16 tuổi trên mạng. Cha mẹ cũng cần có quy định để cùng con khám phá được Internet nhưng cũng cần đảm bảo được an toàn”.

“Về độ tuổi trẻ em sử dụng mạng xã hội, cha đẻ facebook là Mark Zuckerberg từng tuyên bố không cho con dùng mạng xã hội trước khi 16 tuổi. Đó là điều mà các phụ huynh và cơ quan quản lý cũng cần lưu ý”, ông Nguyễn Anh Vũ cho biết.

Còn bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết: “Hệ thống pháp luật tại Việt Nam đến thời điểm này quy định quyền riêng tư, bí mật của trẻ em đã có. Từ quy định cần phải chuyển thành kiến thức kỹ năng của trẻ em, cha mẹ. Công tác phòng ngừa là công tác quan trọng nhất. Rất cần sự quan tâm thực sự của cha mẹ cùng trẻ em trên môi trường mạng. Nếu trẻ em bị lừa gạt thông qua việc lộ lọt các thông tin trên mạng thì cha mẹ, thầy cô cũng luôn phải bên cạnh để đồng hành cùng con”.

Theo bà Đinh Thị Như Hoa, Bộ Thông tin Truyền thông đã bổ sung các quy định về xử lý vi phạm thu thập thông tin cá nhân. Mức phạt có thể lên đến 40 triệu - 60 triệu đồng. Điều cần là chúng ta nâng cao nhận thức của các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân. Bộ Thông tin Truyền thông cũng đang triển khai đánh giá sản phẩm, dịch vụ số bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, trong đó sẽ tiến hành đánh giá 2 nhóm sản phẩm gồm bảo vệ trẻ em; hỗ trợ trẻ em trong học tập vui chơi, giải trí. Bên cạnh hành lang pháp lý về thanh tra, kiểm tra, việc nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, cá nhân trong việc bảo vệ dữ liệu, nhất là dữ liệu cá nhân.

Ở góc độ Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Trần Quang Đạt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên cho biết: “Trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 quy định tin học là môn học bắt buộc. Tuy nhiên, thời lượng của môn học còn giới hạn và mới chỉ truyền đạt kiến thức cơ bản nên việc phòng ngừa thông tin xấu mới chỉ mang tính lồng ghép. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương triển khai tổ chức các diễn đàn để đào tạo kỹ năng để xử lý các vấn đề gây nguy hại trên mạng".

Trong 4 tháng đầu năm 2023, tính riêng các cuộc gọi đến Tổng đài 111 liên quan đến bạo lực trong trường học đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê thông qua các vụ việc cơ quan công an thụ lý, xác minh và giải quyết cũng cho thấy xu hướng xâm hại trẻ em trong năm 2023 gia tăng so với năm 2022. Cùng với đó là tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng vẫn diễn biến phức tạp. Các hành vi, hậu quả của vi phạm quyền trẻ em nói chung, xâm hại trẻ em nói riêng trên môi trường mạng đã và đang tác động đến trẻ em trước mắt và lâu dài, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tâm lý, tình cảm, đạo đức và sức khỏe tâm thần của trẻ.

Nguồn: Báo Tin tức




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 30
  •   Tổng truy cập: 3328902