PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Diễn đàn trao đổi

24/10/2019 9:56:50 SA

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Phú Thọ, với mức độ gia tăng về số lượng và diễn biến ngày càng phức tạp. Để công tác phòng, chống xâm hại có hiệu quả, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, gia đình, người dân cộng đồng. Thông tin Phụ nữ trân trọng giới thiệu ý kiến trao đổi của một số lãnh đạo các sở, ngành, người dân xunh quanh nội dung này:


* Ông Phạm Đình Thi - Trưởng phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ

PV: Đ/c cho biết Những khó khăn trong công tác điều tra các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em?

Trả lời:

- Thứ nhất: Hệ thống văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật chưa đầy đủ

Luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 có hiệu lực từ 01/01/2018 đã quy định một số tội danh cụ thể thuộc nhóm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.Tuy nhiên chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên trong quá trình áp dụng luật của cơ quan tiến hành tố tụng chưa thống nhất trong quy định về “hành vi quan hệ tình dục khác”, "Hành vi dâm ô", "hành vi khiêu dâm" dẫn đến nhiều lúng túng trong điều tra, xử lý các vụ án.Việc phân định tội danh trong Luật Hình sự có quy định rõ ràng song đối với cấu thành của hành vi “dâm ô với người dưới 16 tuổi” khác với các tội trong nhóm, động cơ thực hiện hành vi phạm tội là không nhằm mục giao cấu, khi áp dụng chứng minh tội phạm rất khó khăn, vì đây thuộc ý thức chủ quan bên trong, không bộc lộ ra bên ngoài.

- Thứ hai:Trong hoạt động thu thập chứng cứ, chứng minh:

Từ thực tế giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em cho thấy việc phát hiện, thu thập tài liệu chứng cứ ban đầu gặp nhiều khó khăn nên rất khó để xác định người bị hại có bị hiếp dâm không và ai là người thực hiện hành vi. Mặt khác, hành vi phạm tội xảy ra đa số không có nhân chứng trực tiếp, lời khai chủ yếu là một - một, việc thừa nhận hành vi phạm tội chưa đủ căn cứ kết luận.

- Thứ ba: Về phía người bị xâm hại

Là trẻ em, nhận thức còn hạn chế, tâm sinh lý chưa ổn định nên lời khai thường thiếu chính xác, không đầy đủ, thậm chí thay đổi lời khai theo ý chí của người đại diện hoặc bị đe dọa nên không khai báo.

PV: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp phòng chống xâm hại tình dục trẻ em?

Trả lời: 

1.Thực trạng: Tính từ đầu năm 2018 đến tháng 6/2019,trên địa bàn tỉnh xảy ra 28 vụ án xâm hại tình dục trẻ em, trong đó:08 vụhiếp dâm người dưới 16 tuổi; 13 vụ giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến 16 tuổi; 7 vụ dâm ô với người dưới 16 tuổi. Đã điều tra làm rõ 27 vụ/32 đối tượng. Từ thực tế điều tra các vụ án cho thấy:

- Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục có độ tuổi từ 18 trở lên: 32 đối tượng; số đối tượng là nông dân chiếm tỷ lệ 50%, lao động tự do chiếm tỷ lệ 50%.

- Các vụ án xâm hại tình dục trẻ em xảy ra đa phần chưa được phát hiện kịp thời, có vụ việc xảy ra quá lâu mới phát hiện, tố giác đến cơ quan Công an nên gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra, xử lý; công tác phòng ngừa, tuyên truyền chưa đạt hiệu quả cao.

2. Nguyên nhân

- Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em ở một số huyện, thành, thị chưa được quan tâm đúng mức; công tác phòng, chống tội phạm chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, đoàn thể.

- Nhận thức pháp luật của quần chúng nhân dân còn hạn chế, việc tiếp nhận thông tin về phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em của người dân còn ít, nhất là ở địa bàn nông thôn.

- Công tác phối hợp quản lý giáo dục học sinh giữa gia đình, nhà trường còn nhiều thiếu sót, chưa quan tâm đúng mức đến trẻ em, chưa hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em.

- Sự phát triển của công nghệ thông tin, hệ thống mạng Internet hiện nay dẫn đến tác động đa chiều về văn hóa, ảnh hưởng tới đạo đức, thuần phong mỹ tục, dễ tác động đến lối sống của giới trẻ; mặt khác đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, vấn đề gia đình: ly hôn, ly thân ngày nhiều dẫn đến những hành vi tiêu cực trong cuộc sống.

3. Giải pháp

- Tăng cường công tác rà soát, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó quan tâm đến pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em.

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em, công tác phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, khu dân cư, trong trường học.

- Tổ chức đào tạo chuyên sâu, nâng cao trình độ cho cán bộ được giao nhiệm vụ điều tra, giải quyết, xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em; phối hợp với các ngành, các cấp mở các lớp tập huấn cho cán bộ thôn, bản, khu dân cư trực tiếp làm công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.

- Đẩy mạnh công tác điều tra giải quyết án xâm hại tình dục trẻ em,nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về ANTT; phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em; tăng cường phối hợp chặt chẽ với Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, nhà trường trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

* Bà Nguyễn Thị Thùy Hương - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ

PV: Đồng chí cho biết vai trò, trách nhiệm của ngành Tòa án trong công tác xét xử các vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh?

Trả lời: Để kịp thời xử lý những hành vi xâm hại trẻ em và xét xử một cách thống nhất, TANDTC đã ban hành Thông tư 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên và Công văn số 68/TANDTC-PC ngày 08/4/2019 về việc xét xử tội phạm xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em.

 Tòa án các cấp của tỉnh Phú Thọ đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng nắm tình hình và có kế hoạch phối hợp ngay từ giai đoạn điều tra để nhanh chóng đưa ra xét xử  các bị cáo có hành vi xâm hại trẻ em. Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo nghiêm minh, đúng quy định. Bám sát nguyên tắc về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, được quy định trong các văn bản pháp luật hình sự, pháp luật về bình đẳng giới, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình...

PV: Nhiều ý kiến cho rằng chế tài xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em chưa kịp với thực tiễn, đặc biệt với trẻ em nam. Đồng chí nghĩ sao về vấn đề này?

Trả lời: Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các hành vi liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em được quy định tương đối đầy đủ và rõ ràng trong Bộ luật hình sự 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016), trong đó có quy định cụ thể về các tội xâm hại tình dục với người chưa thành niên với các nhóm độ tuổi cụ thể (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; dưới 13 tuổi) gồm: tội hiếp dâm, tội cưỡng dâm, tội dâm ô, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Đây là các tội phạm có tính nguy hiểm trong xã hội, khung hình phạt đối với các tội này rất nghiêm khắc.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà không phải lúc nào các cơ quan chức năng cũng có đầy đủ căn cứ pháp lý để làm rõ, xử lý. Vì vậy, tôi mong rằng trong thời gian tới, ngoài các quy định trong Bộ luật hình sự, ngoài việc ngăn chặn, giải quyết hậu quả những đứa trẻ bị xâm hại thì gia đình của trẻ cần mạnh dạn báo cho các cơ quan chức năng để những kẻ phạm tội bị trừng trị theo quy định của pháp luật. Điều quan trọng và cần thiết hơn là sự cảnh báo các vị phụ huynh có con ở vào độ tuổi dễ bị lợi dụng và xâm hại. Hãy tự tìm cách bảo vệ và trang bị kiến thức cho con trẻ để hạn chế tối đa việc xâm hại xảy ra, quan tâm hơn đến những biều hiện tâm lý và sinh lý khác thường của con em mình, khi cần thiết có thể nhờ đến các chuyên gia tư vấn.

Trên cơ sở thực tiễn, TANDTC đang xây dựng nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số điều về các tội xâm hại tình dục và có những định nghĩa cụ thể để không bỏ lọt tội phạm xâm phạm tình dục, đặc biệt là xâm phạm tình dục trẻ em nam.


* Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Phú Thọ

PV: Theo đồng chí, để tăng cường phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em hiện nay, ngành giáo dục có những giải pháp như thế nào?

Trả lời:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phòng chống xâm hại trẻ em; quan tâm giáo dục, trang bị kiến thức về giới tính, giúp các em nhận diện, có các kỹ năng phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân trước hành vi xâm hại, tố cáo những kẻ có hành vi xâm hại.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh, phối hợp với đội ngũ cán bộ Đoàn - Đội, giáo viên chủ nhiệm để tuyên truyền thường xuyên, định hướng, tư vấn cho các em.

- Thông báo về Đường dây nóng 111 để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm hiểu thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

- Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; trường học “An toàn, thân thiện và bình đẳng” nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

- Phối hợp chặt chẽ với gia đình, phụ huynh học sinh trong việc quản lý con em nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng xâm hại trẻ em.

- Về phía trách nhiệm của Sở giáo dục và đào tạo tỉnh: Yêu cầu các cơ sở giáo dục, khi xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em cần báo cáo về Sở để có sự chỉ đạo, phối hợp kịp thời; xây dựng kế hoạch kiểm tra để đánh giá mức độ triển khai thực hiện của các đơn vị, để có những giải pháp phù hợp và hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

 

* Bà Hà Thị Thu Hòa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tam Nông

PV: Đồng chí cho biết các cấp Hội phụ nữ có vai trò như thế nào trong công tác phòng chống xâm hại trẻ em?

Trả lời: Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tăng cường trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em; kịp thời phát hiện, lên tiếng, tham gia giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên địa bàn có liên quan.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới, phòng ngừa xâm hại phụ nữ và trẻ em gái; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mua bán người trong toàn xã hội, gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; Đề án 938/CPTuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027. Hội LHPN các cấp kết nối, chia sẻ thông tin về công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa có hiệu quả (Ngôi nhà bình yên; địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; “3 không, 1có”). Tăng cường công tác phối hợp giữa Hội LHPN với các cơ quan chức năng (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát...). Tích cực nghiên cứu, tham gia góp ý hoàn thiện pháp luật liên quan đến các tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em. Chủ động đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền áp dụng những biện pháp cần thiết để can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em kịp thời, đảm bảo quy định của pháp luật.

PV: Với vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn huyện vừa qua, Hội phụ nữ đã lên tiếng và bảo vệ quyền lợi của trẻ em như thế nào?

Trả lời: Vừa qua, trên địa bàn huyện Tam Nông xảy ra vụ việc cháu NTTH, sinh năm 2004 ở Khu 4, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, là đối tượng khuyết tật trí tuệ bị cha đẻ xâm hại dẫn đến có thai và hiện nay cháu đã sinh 01 cháu trai.

Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, Hội LHPN huyện và cơ sở đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình cháu H. Đồng thời vận động cán bộ, hội viên phụ nữ, nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện giúp đỡ bằng vật chất và tinh thần cho cháu và gia đình. Hội LHPN huyện phối hợp với phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND tới thăm gia đình nạn nhân; tìm hiểu thông tin và báo cáo nhanh việc giải quyết vụ việc xâm hại trẻ em đến Hội cấp trên. Đại diện Hội LHPN tham dự các buổi làm việc với chính quyền địa phương, các ngành liên quan, công an huyện và có các kiến nghị, đề xuất giải quyết vụ việc. Hội LHPN huyện đã gửi văn bản đếnViện kiểm sát nhân dân huyện để kiến nghị khẩn trương giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Để ổn định cuộc sống cho cháu H, Hội LHPN huyện đã phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ để gia đình đưa hai mẹ con cháu H vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Phú Thọ; có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng của huyện, chính quyền xã quan tâm hoàn thiện hồ sơ để cháu H và hai em ruột được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội theo quy định. Hiện nay, Bà NTL (bà nội của cháu H), cháu H và 02 em ruột đã được hưởng chế độ chính sách theo quy định tại Nghị định 136/CP, ngày 21/10/2013 của Chính phủ.

Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục theo dõi, giám sát quá trình giải quyết vụ việc và đề nghị các cơ quan chức năng xét xử nghiêm minh hành vi phạm tội của ông NVH (Bố của cháu H) theo quy định của pháp luật.

 

* Bà Hà Thị Bích Hảo, Khu 1A - Phường Nông Trang - TP Việt Trì

PV: Trong thời gian gần đây, có một số vụ xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn thành phố, bà có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Trả lời: Theo tôi được biết thì mọi trẻ em trong cộng đồng đều có nguy cơ bị xâm hại kể cả những trẻ sống trong gia đình nghèo hay gia đình khá giả. Đối với các vụ xâm hại tình dục, không những trẻ em gái mà trẻ em là nam cũng có thể trở thành nạn nhân. Trẻ em sau khi bị xâm hại thường không dám kể về những gì đã diễn ra với mình. Đối tượng xâm hại trẻ em đa phần là những người quen như: hàng xóm, anh em họ hàng, thậm chí là bố dượng, mẹ kế, cha đẻ... Đôi khi việc xâm hại này diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm. Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng “lòng tốt” (cho quà, bao ăn uống…) nhằm dụ dỗ, đe doạ để thực hiện hành vi xâm hại đối với trẻ.

 Hành vi của những kẻ xâm hại có thể ảnh hưởng đến suốt cuộc đời đứa trẻ thậm chí làm các em bị rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi. Hậu quả của vấn đề này hết sức nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần.

Bên cạnh đó, tôi thấy công tác bảo vệ trẻ em hiện nay còn gặp phải những  khó khăn như: Việc phát hiện và báo tin về các vụ xâm hại trẻ em còn chưa kịp thời; các hoạt động hỗ trợ nạn nhân và gia đình nạn nhân còn ít...

PV: Theo bà gia đình có vai trò, trách nhiệm như thế nào trong việc phòng ngừa xâm hại trẻ em?

Trả lời: Theo tôi, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng xâm hại trẻ em lại xuất phát từ chính gia đình của các em. Thực tế hiện nay, nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của họ và gia đình trong bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em. Một bộ phận cha mẹ coi việc giáo dục, phát triển trẻ là của nhà trường. Bản thân cha mẹ chưa dành thời gian chăm sóc, gần gũi con cái, hạn chế trong trao đổi với trẻ về các nguy cơ bị xâm hại...

Chính vì vậy, chúng ta cần phải khẳng định, gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng, chống xâm hại trẻ em. Mỗi thành viên trong gia đình, trước hết là cha mẹ, phải luôn đồng hành cùng con, giáo dục, trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại; giáo dục, hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng trong việc nhận diện, phòng, chống các hành vi xâm hại. Cần dạy kỹ năng sống cho trẻ em trong gia đình, ngoài trường học, đồng thời tăng cường nâng cao biện pháp quản lý giáo dục con người trong gia đình và ngoài xã hội. Sự yêu thương, gần gũi, quan tâm của cha mẹ vừa là nền tảng quan trọng, vừa là “lá chắn” vững chắc để trẻ em phát triển, trưởng thành toàn diện về thể chất và nhân cách…




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 58
  •   Tổng truy cập: 3328716