PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII: Ấn tượng, đổi mới

09/03/2017 2:50:57 CH

 Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã để lại ấn tượng đẹp trong mỗi đại biểu.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Lương (Thiếu tá, Trưởng ban Phụ nữ quân khu 4, Bộ Quốc phòng):Đại hội lần thứ XII diễn ra trong đúng ngày mà chị em phụ nữ chào đón ngày hội của chính mình nên cảm xúc rất dâng trào. Đến dự Đại hội tôi có nhiều kỳ vọng, nhiều mong muốn. Mong muốn lớn nhất của cá nhân tôi - người cán bộ Hội trực tiếp làm nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động phụ nữ trong lực lượng vũ trang là tinh thần đại hội “Đoàn kết – Đổi mới – Bình đẳng - Hội nhập” sớm được đến với các tầng lớp phụ nữ, trong đó có phụ nữ lực lượng vũ trang chúng tôi.

Đại biểu Cao Thị Ngọc Dung (Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận):Tôi rất vinh hạnh được tham gia kỳ Đại hội này. Sự đổi mới trong phương thức tổ chức, có sức trẻ, khoa học của Đại hội tạo niềm vui, phấn khởi cho đại biểu. Đặc biệt, Đại hội đã nhấn mạnh trách nhiệm của nữ trí thức, nữ doanh nhân qua đó xác định vai trò của lực lượng phụ nữ trong giới trí thức và giới doanh nhân trong nền kinh tế cũng như sự phát triển của đất nước. Tôi mong rằng Hội có chương trình hành động rõ nét hơn để gắn kết nữ trí thức, nữ doanh nhân đặc biệt là thu hút các nữ doanh nhân thành đạt vào Hội; tạo điều kiện cho phụ nữ mạnh dạn tự tin làm nhiều việc to lớn hơn; tạo được chuỗi liên kết giữa các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp với chị em trực tiếp sản xuất hàng hóa ở nông thôn.

GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn (Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên): Đại hội vô cùng ấn tượng cả về khâu tổ chức, cả về nội dung, tôi chưa được tham gia một Đại hội nào mà trang trọng, ý nghĩa và có chiều sâu như Đại hội ngày hôm nay. Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên có trên 56% là giảng viên nữ, phần lớn có trình độ tiến sĩ. Nhưng các nữ giảng viên sau khi đạt được bằng cấp tiến sĩ rồi, họ phải dần dần từ bỏ đam mê, rút về hậu trường để chăm sóc gia đình với rất nhiều nghĩa vụ. Tôi mong có chính sách điều chỉnh lương để nữ giảng viên có trình độ cao yên tâm cống hiến bằng chuyên môn, trí tuệ của mình rằng làm sao để phụ nữ không phải cố gắng đến mức kiệt sức, kiệt quệ để xứng đáng với những vinh danh của xã hội dành cho họ“phụ nữ ba đảm đang”, “phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Ngay bản thân tôi, khi được giải thưởng Kovalevskaia thì Đài Truyền hình cũng đến và yêu cầu tôi phải nấu cơm, phải chăm sóc nhà, cửa. Tôi rất là ngượng, tôi mong rằng làm sao thế hệ sau của chúng tôi không phải nỗ lực một cách kiệt sức để xứng đáng với những tung hô như thế.

Nguồn: Trang web Hội LHPN Việt Nam




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 35
  •   Tổng truy cập: 3325867