PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Chuyện chị em phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường

24/09/2019 9:45:02 SA

“Trước kia chị em phụ nữ hay nghĩ bảo vệ môi trường là việc khó khăn, nặng nhọc, phụ nữ chân yếu tay mềm không làm được. Sau khi được vận động, tuyên truyền và trực tiếp tham gia vào các mô hình bảo vệ môi trường do các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phát động, giờ đây các hội viên đã hiểu việc bảo vệ môi trường sống là bắt đầu từ những hành động cụ thể, thiết thực gắn với cuộc sống của mỗi gia đình, mang lại lợi ích cho địa phương” - chia sẻ của chị Nguyễn Thị Kim Khánh - Chủ tịch Hội LHPN thành phố Việt Trì thể hiện công tác dân vận đã làm nên sự thay đổi trong nhận thức và hành động của các hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh.


Bà Trương Thị Kim Dung ở xóm Sải, xã Trưng Vương hướng dẫn cháu cách phân loại rác

Cùng nhau “sống xanh”

Xác định trong gia đình, phụ nữ thường là người sử dụng, tiếp cận và trực tiếp giải quyết các vấn đề về rác thải, Hội LHPN các cấp đã tích cực triển khai các mô hình “sống xanh” trong gia đình. Từ đó làm thay đổi thói quen, nhận thức của hội viên về các hoạt động bảo vệ môi trường.

Mỗi buổi sáng, bác Trương Thị Kim Dung ở xóm Sải, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì đều cùng các chị em trong xóm rủ nhau đi chợ. Nhưng thời gian gần đây, thay vì lấy túi nilon đựng thức ăn, các bác, các chị đều cẩn thận xếp rau, củ, quả vào chiếc làn mang theo bên mình. Đến hàng thịt, cá chị em cũng đưa sẵn hộp nhựa đã chuẩn bị sẵn để đựng.

Bác Dung là 1 trong số 122 nhóm gia đình nhận làn nhựa từ mô hình “Gia đình xách làn đi chợ” của Hội LHPN thành phố Việt Trì triển khai từ năm 2012. Bác Dung chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần đi chợ về là nhà tôi có thêm ít nhất 10 túi nilon đủ kích cỡ. Từ khi Hội LHPN thành phố Việt Trì tuyên truyền về tác hại của túi nilon, lại được tặng chiếc làn nhựa, tôi đã thay đổi suy nghĩ. Ngày đầu tiên đi chợ bằng làn, tôi chỉ sử dụng khoảng 6 chiếc túi nilon, các ngày tiếp theo, túi nilon cũng giảm và bây giờ gần như không phải sử dụng đến bất cứ loại túi nilon nào. Tôi rất vui khi góp một hành vi rất nhỏ nhằm giảm thiểu tác hại đến môi trường xung quanh”.

Chị Nguyễn Thị Tuyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Trưng Vương cho biết: “Tại xã Trưng Vương, Hội đã vận động cán bộ, hội viên xây dựng thói quen sử dụng sản phẩm dễ phân hủy hoặc có thể tái chế, tái sử dụng. Cụ thể, mô hình “Phân loại rác thải” và “Tiết kiệm phế liệu” là hai mô hình vì môi trường được Hội LHPN xã xây dựng hơn 3 năm qua với sự tham gia của hàng trăm hội viên phụ nữ trên địa bàn. Biến rác thải thành quỹ, chỉ tính riêng trong năm 2018, Hội LHPN xã đã thu được hơn 56 triệu đồng từ nguồn tiết kiệm bán phế liệu, mua 285 thùng rác tặng các gia đình hội viên và mua làn nhựa, hộp đựng thức ăn, lồng bàn tặng các gia đình, góp phần giúp các chị em có thêm kiến thức về phân loại rác thải, thay đổi thói quen khi xử lý rác thải tại gia đình.

“Mô hình này rất dễ được nhân rộng vì phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Chính việc tham gia vào mô hình bảo vệ môi trường đã khiến bản thân các chị em của hội phụ nữ dần thay đổi tích cực trong ý thức và hành động. Từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhắc nhở người xung quanh cùng tham gia” - Chủ tịch Hội LHPN thành phố Nguyễn Thị Kim Khánh khẳng định.

Không chỉ riêng tại thành phố Việt Trì, nhìn chung trên địa bàn tỉnh, từ công tác tuyên truyền, vận động thường xuyên, Hội LHPN các cấp đã xây dựng duy trì hiệu quả các mô hình “Thùng rác tự quản”, “Lò xử lý rác thải”,“Hố rác nội đồng”, “Thu gom, xử lý rác thải hộ gia đình”. Ngoài ra, các mô hình “Chạn bát hợp vệ sinh”,“Phụ nữ xách làn đi chợ” và gần đây nhất là “Phụ nữ nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần” đang ngày càng được nhân rộng.

Mô hình nhỏ, lan tỏa lớn


Đoạn đường hoa do hội viên Hội LHPN xã Trung Thịnh, huyện Thanh Thủy trồng và quản lý

Không dừng lại ở những hành động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường trong mỗi gia đình, sự thay đổi trong suy nghĩ của hội viên phụ nữ đã tạo được sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Mỗi chị em trở thành một tuyên truyền viên, đóng góp cho địa phương nhiều ý tưởng hay, sáng tạo để cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường.

Ven các con đường trong xã Trung Thịnh, huyện Thanh Thủy trước kia mọc nhiều cỏ voi rậm rạp, người dân trong xã có thói quen chăn thả gia súc hoặc vứt rác bừa bãi ngay bên đường dẫn đến mất mĩ quan, ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng đó, Hội Phụ nữ xã chủ động tổ chức dọn dẹp cây cỏ, khơi thông cống rãnh và “hiến kế” trồng hoa hai bên đường. Chính quyền xã ủng hộ, nhưng việc triển khai thực hiện ban đầu gặp không ít khó khăn.

Chị Lê Thị Thúy - Chủ tịch Hội LHPN xã chia sẻ: Ban đầu người dân trong xã không ủng hộ việc trồng hoa vì muốn tranh thủ quỹ đất trồng thêm cỏ voi để làm thức ăn cho gia súc. Nhiều người còn ngại mất thời gian chăm sóc. Chị em trong Hội phải đến từng hộ dân để vận động phát cỏ, sau đó tìm giống hoa phù hợp, phân công cắt tỉa, chăm sóc. Dần dần hoa nở dọc lối đi, những con đường trở nên rực rỡ, sạch đẹp, người dân nhận thấy mô hình đã làm thay đổi diện mạo quê hương, ai ai cũng tự hào, muốn chung tay cùng vun trồng, chăm bón các đoạn đường hoa.

Không chỉ có vậy, quyết tâm thực hiện “3 sạch: Sạch nhà, sạch ngõ, sạch đồng ruộng”, năm 2016, Hội Phụ nữ xã tiến hành vận động người dân đăng ký tham gia dịch vụ thu gom rác thải, đồng thời đứng ra tổ chức thu gom, phân loại và vận chuyển rác thải của các hộ dân về nơi tập kết. Để thu hút hội viên cùng tham gia, các thành viên trong Ban chấp hành Hội trực tiếp bắt tay vào làm, từ đó tạo niềm tin và sức lan tỏa trong toàn xã. Đến nay, đã thành nền nếp, mỗi tháng 4 lần, tổ thu gom rác thải gồm 7 thành viên của Hội phụ nữ đến từng nhà, từng cánh đồng để thu góm rác.


Tổ phụ nữ thu gom rác thải tại huyện Thanh Thủy

Ông Nguyễn Đức Trí - khu 2, xã Trung Thịnh cho biết: “Trước đây xã phát động các đợt tổng vệ sinh theo tháng nhưng lượng rác thải sinh hoạt và sản xuất ngày càng nhiều. Chưa kể do người dân chủ yếu làm nghề nông nên không ít người có tư tưởng đất rộng, rác cứ đổ bừa bãi ra bờ bãi, đê sông. Một số hộ chần chừ khi biết là đăng ký tham gia dịch vụ thu gom rác thải phải đóng phí hằng tháng. Nhưng nhờ sự phân tích thấu tình đạt lý của các hội viên phụ nữ và sau khi chị em phụ nữ đứng ra thu gom rác, môi trường được đảm bảo hơn, người dân đã đồng thuận cao. Nhiều người bảo nhau phân loại rác tại nhà và hỗ trợ khi khuân vác để tổ thu gom đỡ vất vả”.

“Khó khăn lắm, niềm vui cũng nhiều, phụ nữ đã trở thành “hạt nhân” lan tỏa các phong trào giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ sức khỏe gia đình, cộng đồng, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới” - chị Trần Thịnh Phượng - Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Thủy khẳng định.

Với những ý tưởng và sự nỗ lực của các hội viên phụ nữ, hiện nay toàn tỉnh có 3.793 đoạn đường, dài trên 7.000 km đường hoa do phụ nữ quản lý, được cấp ủy huyện và cơ sở ghi nhận, đánh giá cao. Phụ nữ cũng là một trong những lực lượng đi đầu trong công tác thu dọn, vệ sinh môi trường tại các địa phương, xây dựng các khu dân cư xanh - sạch - đẹp, được đông đảo người dân ủng hộ.

Có thể khẳng định, thông qua những mô hình hay, thiết thực, Hội LHPN các cấp đã thành công trong việc tạo nên sự chuyển biến nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của các hội viên cũng như của cộng đồng xã hội. Đây là một cách dân vận rất sáng tạo, phát huy hiệu quả tích cực.

Bà Vũ Thị Thu Huyền - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: “Với kết quả đạt được, Hội LHPN tỉnh đang tiếp tục phấn đấu xây dựng và nhân rộng các mô hình dân vận khéo, thực hiện tốt các phong trào thi đua, đồng hành cùng xã thực hiện tiêu chí về môi trường, hướng tới xây dựng nông thôn mới tại địa phương’.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 23
  •   Tổng truy cập: 3386044