PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Bình yên dưới những mái nhà

21/10/2019 7:56:54 SA

t5-4mau02-1571532977
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng tuyên truyền cho hội viên về các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình.
 

Dù ở thời đại nào, dù xã hội có phát triển đến đâu, dù ở nông thôn hay thành thị, thì bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức và đang ngày có những diễn biến phức tạp, trở thành mối quan tâm của toàn xã hội cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, đặc biệt là các cấp, ngành, cơ quan chức năng.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trò chuyện với bà Bùi Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội phụ nữ tỉnh.

 

Được biết, Trung ương Hội LHPN Việt Nam  quyết định chọn năm 2019-2020 là “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Với vai trò là lãnh đạo của Hội Phụ nữ tỉnh, luôn sát cánh, đồng hành cùng chị em phụ nữ, bà có thể cho biết, môi trường an toàn có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống của phụ nữ?

Hiện nay, xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nảy sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sự an toàn cho phụ nữ. Bởi vậy, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ luôn được xã hội quan tâm, đây cũng chính là nội dung xuyên suốt, được thực hiện trong nhiều năm của các cấp Hội phụ nữ.

Phụ nữ luôn là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất và dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, mua bán người, tệ nạn xã hội,… Vì vậy, một môi trường sống an toàn là điều mà mọi phụ nữ đều mong muốn. An toàn ở đây không chỉ ở nơi công cộng, nơi làm việc, ngoài xã hội mà còn trong chính gia đình của mình. Họ cũng cần được trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó với những nguy cơ gây mất an toàn đến cuộc sống của bản thân và gia đình họ. Chỉ trong môi trường an toàn, phụ nữ mới có thể yên tâm học tập, làm việc, phát huy tài năng, trí tuệ của mình.

Bạo lực gia đình là một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống của phụ nữ. Bà có thể cho biết hiện nay vấn đề BLGĐ đang diễn ra trên địa bàn tỉnh ra sao? Và đâu là nguyên nhân?


Qua tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ, cho thấy tình trạng BLGĐ trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây có sự chuyển biến tích cực. Số vụ BLGĐ đã giảm qua từng năm. Từ năm 2008 đến nay toàn tỉnh xảy ra hơn 4.100 vụ BLGĐ, trong đó nạn nhân là phụ nữ 3.345 người. Mặc dù vậy, tình trạng BLGĐ vẫn đang có những diễn biến phức tạp gây ra nhiều hệ lụy, làm tổn thương cả về thể xác cũng như tinh thần của người phụ nữ.

Về nguyên nhân, BLGĐ xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nhìn chung do một số nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, có thể nói nguyên nhân sâu xa của BLGĐ là do nhận thức và thái độ đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân về định kiến giới, bất bình đẳng giới. Tâm lý giấu giếm, cam chịu của người phụ nữ cũng đã tiếp tay cho sự tái phạm hành vi bạo lực của người chồng. Bên cạnh đó, còn do trình độ học vấn thấp, tình trạng thiếu hiểu biết pháp luật, chưa nhận thức đầy đủ về quyền của mình và bản thân người phụ nữ còn thiếu kỹ năng ứng xử trong cuộc sống gia đình.

Thứ hai, nguyên nhân về kinh tế thường tạo ra các áp lực, căng thẳng, bế tắc đối với thành viên gia đình dễ dẫn tới các mâu thuẫn, tranh chấp nếu không biết cách xử lý phù hợp có thể gây nên BLGĐ. 

Thứ ba, nguyên nhân về các tệ nạn xã hội do người chồng hoặc vợ như nghiện rượu, cờ bạc, ma túy và các nguyên nhân khác như ngoại tình, ghen tuông… cũng dẫn tới BLGĐ.

Thứ tư, sự quan tâm của cộng đồng tới phòng, chống BLGĐ còn chưa đầy đủ. Cộng đồng và các gia đình vẫn coi BLGĐ là vấn đề riêng tư trong mỗi gia đình và người ngoài không nên can thiệp. Chính vì vậy, phản ứng của cộng đồng đối với các hành vi BLGĐ còn thờ ơ, chưa mạnh mẽ.

Phụ nữ khi trở thành nạn nhân của BLGĐ đa phần họ đều cam chịu và không lên tiếng, theo bà đây có phải là cách hành xử đúng hay không và để tự bảo vệ bản thân không bị BLGĐ thì người phụ nữ nên làm gì?
Như tôi đã nói ở trên, một trong những nguyên nhân dẫn đến phụ nữ bị bạo lực ngay trong chính ngôi nhà của mình đó là do sự chịu đựng của bản thân người phụ nữ. Và có lẽ, tình trạng BLGĐ sẽ vẫn còn diễn ra nếu chính bản thân người phụ nữ vẫn còn tồn tại những tư tưởng cam chịu, “xấu chàng hổ ai” như vậy.

Do đó thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc truyền thông nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống BLGĐ cho hội viên phụ nữ. Đặc biệt là tuyên truyền cho chị em vấn đề “đừng im lặng, hãy lên tiếng” để bảo vệ mình trước bạo lực. Bên cạnh đó, chị em phụ nữ cần phải nâng cao tính tự chủ, quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội; trau dồi thêm các kiến thức để nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân, nhất là kiến thức về gia đình, làm đẹp bản thân, nuôi dạy con cái và kiến thức về pháp luật, tìm hiểu Luật Phòng, chống BLGĐ. Khi bị bạo hành không nên nín nhịn, bưng bít mà cần tìm đến cơ quan để được tư vấn và sự giúp đỡ từ người thân, các ban, ngành, đoàn thể để sớm có sự can thiệp kịp thời.

Trong thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ đã có nhiều hoạt động trong công tác phòng chống BLGĐ? Bà có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Những năm qua, các cấp Hội đã tập trung triển khai một số hoạt động trong công tác phòng, chống BLGĐ như: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống BLGĐ cho cán bộ, hội viên phụ nữ; xây dựng các mô hình hoạt động thiết thực, hiệu quả như: CLB “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình không có người thân phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội”, CLB “Phòng, chống BLGĐ”; “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, qua đó đã cung cấp cho chị em kiến thức về giới, bình đẳng giới, kiến thức về phòng, chống bạo lực, phương pháp giáo dục con cái giúp con em không bị ảnh hưởng bởi BLGĐ.

Các cấp Hội cùng làm tốt công tác tư vấn cho nạn nhân bị BLGĐ; giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống BLGĐ; phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình; cung cấp thông tin, ngăn chặn xử lý kịp thời, trách nhiệm các vụ việc nhằm bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của BLGĐ và xử lý các vụ việc liên quan đến BLGĐ theo pháp luật. Đồng thời, năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, thể hiện sự cam kết của các cơ quan trong thực thi pháp luật, góp phần xây dựng xã hội an toàn, trật tự, kỷ cương, thượng tôn pháp luật; bảo đảm các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.


Xin cảm ơn bà đã tham gia cuộc trò chuyện của chúng tôi.

 Nguồn: Báo Phú Thọ điện tử




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 25
  •   Tổng truy cập: 3386530