PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Nâng cao công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Phú Thọ

25/11/2016 3:36:25 CH

         Sinh thời, Chủ Tịch Hồ Chí Minh từng dạy:“Đảng, Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.Thực tế cho thấy, trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện trong các Nghị quyết Đại hội Đảng, các Nghị quyết và Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác cán bộ nữ và nhiều văn bản khác nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới, qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trên mọi mặt của đời sống gia đình và xã hội.

Là một tỉnh miền núi, với diện tích trên 3.519 Km2, dân số trên 1,3 triệu người (trong đó nữ chiếm 50,96%). Trong những năm gần đây, nền kinh tế của tỉnh giữ vững và tiếp tục tăng trưởng, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, tình hình chính trị ổn định, an ninh quốc phòng được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế đó là tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, nhất là ở các huyện miền núi; khoảng cách phát triển giữa nông thôn miền núi và đô thị còn lớn; đời sống của nhân dân và phụ nữ các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua, cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm tới việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và ngày càng có những bước chuyển mới. Tỉnh Phú Thọ đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ như: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Luật Bình đẳng giới năm 2006, Quyết định số 2351/QĐ-TTG ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020.

Nhận thức rõ được sự cần thiết xây dựng đội ngũ cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của từng địa phương, đơn vị; việc nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý là yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ, là điều kiện để phát huy vai trò, tài năng, trí tuệ và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã đặc biệt quan tâm tới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ nữ. Trong 5 năm qua (2011-2015) toàn tỉnh đã có 3.695 cán bộ nữ được đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, 38 cán bộ nữ đi học cao học. Các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do các ngành, các cấp mở đều có cán bộ nữ tham gia, trong đó có đội ngũ cán bộ Hội các cấp được quan tâm đào tạo và kiện toàn. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy 3 cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 21,11%, tăng hơn so với nhiệm kỳ trước 1,11%; nữ lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước, Đảng, đoàn thể cấp tỉnh có 38 chị, cấp huyện có 19 chị; có 8 đồng chí nữ tham gia ban chấp hành đảng bộ tỉnh; tỷ lệ nữ tham gia Đại biểu HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đạt 25,64%, tăng hơn so với nhiệm kỳ trước 1,37%; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc Hội khóa XIV đạt 42,85%, tăng hơn so với khóa trước 14,28%. Tỷ lệ đảng viên nữ ngày càng tăng về số lượng và nâng cao chất lượng.

Trong lĩnh vực lao động, việc làm, quyền bình đẳng của phụ nữ có nhiều tiến bộ. Thông qua việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế và chính sách đảm bảo an sinh xã hội, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động nhất là đối với lao động nữ được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Phụ nữ được tạo nhiều cơ hội việc làm, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định đời sống của bản thân và gia đình. Công tác đào tạo nghề được quan tâm, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vùng mất đất sản xuất, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Tỷ lệ sau dạy nghề có việc làm cao, chiếm 80%. Trong các năm từ 2011-2015, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 60.500 người, trong đó nữ 32.065 người, đạt 53% tăng so với kế hoạch 13%.

Chú trọng quan tâm công tác xóa đói giảm nghèo, đây được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.Tỉnh đã chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm mang lại hiệu quả.Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 12,04%, hộ cận nghèo 8,5% theo chuẩn tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.100% số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ đủ điều kiện được vay vốn từ các chương trình quốc gia về giảm nghèo.

Cùng với đó, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em được tỉnh chú trọng quan tâm chỉ đạo. Chỉ đạo ngành Y tế thực hiện tốt các giải pháp về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, đảm bảo cho phụ nữ thực hiện tốt chức năng sinh đẻ, nuôi con và tham gia hoạt động xã hội. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe dinh dưỡng, sức khỏe vị thành niên, DS/KHHGĐ, phòng chống các bệnh xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác xã hôi hóa các hoạt động y tế, phát huy hiệu quả của mạng lưới y tế dự phòng, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; góp phần duy trì tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của tỉnh hàng năm ở mức từ 1,1%0-1,2%; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi xuống còn 14,6%.  Đến nay, 100% trạm y tế, xã, phường, thị trấn có nữ hộ sinh và có y sỹ sản nhi, đảm bảo cung cấp thuốc, trang thiết bị kỹ thuật, vật tư thường xuyên đảm bảo chăm sóc thai sản an toàn và có dịch vụ tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao và phong trào xây dựng gia đình văn hoá được quan tâm chỉ đạo. Các hoạt động tuyên truyền về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, phòng chống bạo lực trong gia đình ngày càng được quan tâm… Các mô hình: "câu lạc bộ gia đình hạnh phúc", "câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật", "câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình" ...được duy trì và nhân rộng phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở phát triển, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả 02 Đề án 343,704-ĐA/CP của Chính phủ về “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”“Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”. Sau 5 năm triển khai thực hiện, các chỉ tiêu mục tiêu cơ bản của 02 Đề án đều đạt và vượt, qua đó nâng cao được nhận thức của các cấp các ngành trong triển khai tổ chức thực hiện đề án; ý thức và nhận thức của phụ nữ về rèn luyện phẩm chất đạo đức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH HĐH đất nước ngày càng được nâng lên, góp phần tích cực vào việc xây dựng nhân cách con người VN, truyền thống phụ nữ VN, xây dựng gia đình VN hạnh phúc bền vững, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xẫ hội của địa phương, đất nước.

Có thể khẳng định rằng, trong những năm qua, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh triển khai thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, tạo điều kiện cho cả nam và nữ phát huy quyền làm chủ và bình đẳng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và trong gia đình, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.  

Bước vào thời kỳ đổi mới, để tiếp tục phát huy vai trò, vị trí, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ trên mọi lĩnh vực, tỉnh Phú Thọ cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và sự phối hợp liên ngành về bình đẳng giới. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình, dự án về bình đẳng giới và các giải pháp phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới. Nâng cao vị thế của phụ nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội thông qua tăng cường sự tham gia lãnh đạo và quản lý của phụ nữ; thực hiện bình đẳng giữa nam và nữ; làm tốt công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và liên ngành về việc thực hiện hoạt động bình đẳng giới, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020./.

Đ/c Hà Kế San

UV BTV Tỉnh ủy, PCT UBND tỉnh, TB Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Phú Thọ




Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 1
  •   Tổng truy cập: 3471861