PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Tăng tuổi nghỉ hưu tác động tích cực đến phát triển sự nghiệp, sự tiến bộ

13/06/2019 8:57:37 SA


Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Chiều nay (12/6), Quốc hội thảo luận hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, phát biểu góp ý về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, bảo vệ thai sản.

Đây là những nội dung quan trọng liên quan trực tiếp tới người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. Website Hội LHPN Việt Nam xin đăng toàn văn bài phát biểu này.

Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), tôi nhận thấy Bộ luật lần này đã điều chỉnh, bổ sung những quy định cần thiết, khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành luật; kịp thời thích ứng với sự phát triển của thị trường lao động; thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013; đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế. Và đặc biệt, việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới được thể hiện trong nhiều quy định của dự thảo. Tham gia đóng góp vào dự thảo luật, tôi xin có 2 ý kiến sau:

Một là, vấn đề tuổi nghỉ hưu

Về vấn đề điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, tôi thấy rằng, các căn cứ mà Chính phủ đặt ra vừa bảo đảm quyền, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của người lao động có tính tới các điều kiện, tính chất lao động và nhiều yếu tố khác.

Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không phải là một vấn đề mới mà đã được nêu ra nhiều lần trong quá trình sửa Bộ luật lao động 2012; trong quá trình đóng góp ý kiến Luật Bảo hiểm xã hội; Luật cán bộ, công chức.

Qua nắm bắt dư luận xã hội, chúng ta biết còn có nhiều người chưa thực sự đồng tình với việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc điều chỉnh này là rất cần thiết, ngoài những lý do mà Chính phủ đã trình, tôi bổ sung một số căn cứ sau:

Thứ nhất: Tuổi nghỉ hưu hiện tại được quy định cách đây gần 60 năm. Đến nay, tất cả điều kiện về kinh tế - xã hội, về điều kiện lao động, sức khỏe, tuổi thọ bình quân, về yêu cầu phát triển đất nước đã thay đổi rất nhiều, nên việc tăng tuổi nghỉ hưu, theo tôi là đã chín muồi.

Thứ hai, cách đây 15 năm, lực lượng lao động tăng 1,2 triệu người/năm, hiện nay chỉ khoảng 400 ngàn người/năm. 15 năm tới, theo dự báo, Việt Nam chỉ tăng 200 ngàn lao động/năm. Như vậy trong tương lai, chúng ta sẽ vẫn thiếu lao động.

Thứ ba, đối với nữ: Tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc tăng số năm đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, chắc chắn mức lương hưu của lao động nữ sẽ được cải thiện tốt hơn. Thực tế hiện nay, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, lương hưu trung bình của phụ nữ chỉ chiếm khoảng 84% so với lương hưu của nam giới.

Tăng tuổi nghỉ hưu cũng sẽ tác động tích cực đến việc phát triển sự nghiệp và sự tiến bộ của phụ nữ do có thêm cơ hội. Tôi xin nhấn mạnh tới cơ hội trong đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, bồi dưỡng cũng như quy trình về công tác cán bộ khác...

Hiện nay, do tuổi nghỉ hưu của phụ nữ trước 5 năm so với nam giới, nên dẫn đến các quy định về độ tuổi được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, qui hoạch, bổ nhiệm của phụ nữ đều sớm hơn 5 năm so với nam. Trong khi, chúng ta đều biết, mỗi phụ nữ trung bình mất từ 5 đến 8 năm để sinh con và nuôi con nhỏ. Do vậy thường phải sau 35 tuổi, phụ nữ mới có những điều kiện thuận lợi hơn để tập trung cho công việc và phát triển sự nghiệp. Nói cách khác, sau khi thực hiện xong thiên chức làm mẹ thì cơ hội được đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch của nhiều phụ nữ bị hạn chế đáng kể. Thời gian vừa qua đã có nhiều ví dụ thực tế cho thấy phụ nữ chịu thiệt thòi trên con đường thăng tiến do quy định của tuổi nghỉ hưu.

Toàn cảnh hội trường Quốc hội

Đồng thời với việc tăng tuổi hưu như vừa nêu trên, tôi ủng hộ quyền được nghỉ hưu sớm. Theo đó, việc quy định về quyền nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn đối với một số nhóm lao động đặc thù là rất cần thiết.

Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu rà soát, đưa ra các căn cứ khoa học, thực tiễn về các ngành nghề hoặc các đối tượng lao động đặc thù cần được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn và thấp hơn là bao nhiêu. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện đồng bộ với các chính sách khác về lao động và an sinh xã hội một cách tổng thể và cần được tuyên truyền đầy đủ để tạo ra sự đồng thuận trong triển khai thực hiện.

Hai là, vấn đề bảo vệ thai sản:

Mục a, khoản 1, Điều 138 quy định: Nếu không có sự đồng ý của người lao động thì người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Như vậy, dự thảo đã sửa đổi theo hướng, nếu được sự đồng ý, thì lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn có thể thỏa thuận để làm thêm giờ, làm ban đêm và đi công tác xa.

Tôi đề nghị cân nhắc rất kỹ quy định này và cần lấy ý kiến đầy đủ đối tượng chịu sự điều chỉnh theo hướng quan tâm đến lợi ích lâu dài, vì sự phát triển của nguồn nhân lực và tương lai của đất nước, với các lý do sau:

- Quy định trong dự thảo Luật mặc dù tưởng như tạo quyền và cơ hội làm việc cho lao động nữ, song thực tế dễ tạo ra những bất lợi ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của lao động nữ và sự phát triển của thai nhi.

Các bằng chứng khoa học về sự cần thiết mà một phụ nữ mang thai 7 tháng cần được nghỉ ngơi, chăm sóc và nghỉ dưỡng như thế nào, tôi nghĩ là đã rất nhiều rồi xin không phân tích sâu. Chúng ta thử hình dung một phụ nữ mang thai 7 tháng mà đi làm đêm (từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau) hoặc đi công tác xa có an toàn không, có hiệu quả không?

Không những thế, nếu xảy ra chuyện gì, việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ sinh non vô cùng tốn kém, vất vả và khoa học đã cho thấy, bản thân trẻ sinh non có nguy cơ mắc nhiều bệnh như hô hấp, tiêu hóa, bại não, rối loạn hành vi...

Với điều kiện của đa số người lao động, nhất là nữ công nhân hiện nay, mặc dù có thể nhận thức được sự ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng với đặc tính “tham công tiếc việc” hoặc vì nhu cầu có thêm thu nhập hoặc do yêu cầu “khó từ chối” từ phía người sử dụng lao động nên có thể người lao động nữ mang thai vẫn chấp nhận làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm hoặc đi công tác xa. Điều này rất nguy hại cho cả người mẹ và thai nhi.

- Quy định này đã được thực hiện từ lâu và cho đến nay, hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp, các văn bản pháp luật có liên quan.

Chúng tôi đã đi giám sát ở một số doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp cũng đánh giá đây là quy định tiến bộ, đảm bảo thể chất và tinh thần cho lao động nữ và đã được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Báo cáo tổng hợp về tuân thủ trong ngành may mặc của ILO công bố vào tháng 5/2019 đánh giá: “Luật Việt Nam tương đối tiến bộ và tuân thủ cao trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe bà mẹ và hỗ trợ tốt cho công nhân nữ ngành may mặc, bao gồm cả phụ nữ mang thai và cho con bú”.

Tôi thiết nghĩ rằng, một quy định tiến bộ, nhân văn, khoa học, đang được thực hiện tốt trong thực tiễn thì không nhất thiết phải thay đổi.

Trân trọng cảm ơn Quốc hội!

Nguồn: Trang web Hội LHPN Việt Nam



Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 398
  •   Tổng truy cập: 3410412