PHỤ NỮ ĐẤT TỔ THÂN THIỆN, NHÂN ÁI, ĐOÀN KẾT, HỘI NHẬP, PHÁT TRIỂN

Bảo hiểm vi mô tới phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai

24/05/2019 8:49:44 SA

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết và ông Antonis, Giám đốc chương trình của GIZ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác

Chiều 23/5/2019, tại Hà Nội, TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã tổ chức hội thảo bảo hiểm vi mô trong lĩnh vực nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ các đại biểu đến từ các Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện các chi nhánh của TYM tại địa phương.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết nêu rõ, biến đổi khí hậu tại Việt Nam đang là vấn đề hết sức cấp bách. Rủi ro thiên tai đã gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội và con người. Trong đó, các chi nhánh của Quỹ bảo hiểm vi mô (TYM) - Hội LHPN Việt Nam phần lớn ở khu vực nông nghiệp, nông thôn với 41% thành viên TYM thuộc khu vực này phải chịu ảnh hưởng sâu sắc từ biến đổi khí hậu, bởi chủ yếu họ đều có thu nhập chính từ các ngành nghề nông - lâm - ngư nghiệp, việc sản xuất, kinh doanh phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.

Đặc biệt, những gia đình nghèo, thu nhập thấp là đối tượng chịu tác động nặng nề hơn cả. Họ thiếu nguồn lực, thiếu kiến thức, kỹ năng, thông tin để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai. Hơn thế nữa, khi bị thiên tai, khả năng phục hồi kinh tế gia đình của họ cũng khó khăn, lâu dài hơn, nhiều gia đình lâm vào tình trạng kiệt quệ, tái nghèo...

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết cho biết, Hội LHPN Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ thí điểm cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô cho người có thu nhập thấp, người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Các sản phẩm bảo hiểm vi mô có phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu. Sau 2 năm triển khai đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận, 100% thành viên TYM đã được bảo hiểm khoản vốn vay để phát triển kinh tế và nhiều người đã được hưởng lợi từ chương trình này; thành viên tham gia vay vốn nhiều hơn, qua kiểm tra, đánh giá cho thấy các chỉ số thể hiện tính bền vững rất tốt.


Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết phát biểu tại hội thảo

Những nỗ lực của Hội và kết quả đạt được này là cơ sở để Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng liên quan tham mưu với Chính phủ về chính sách triển khai bảo hiểm vi mô cho các tổ chức chính trị - xã hội. Cùng với đó, bên cạnh bảo hiểm vi mô sẽ nghiên cứu, triển khai một số loại hình bảo hiểm khác như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế nhằm tạo nhiều điều kiện hơn nữa để hỗ trợ các thành viên, làm cho họ thấy được những lợi ích và thu hút đông đảo hơn nữa thành viên tham gia.

Ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính khẳng định, với chức năng là cơ quan quản lý của Nhà nước, Bộ Tài chính luôn tích cực đồng hành cùng các tổ chức, trong đó có Hội LHPN Việt Nam triển khai các sản phẩm bảo hiểm vi mô đến các thành viên thuộc diện nghèo, cận nghèo, yếu thế. Đã có trên 3.000 hộ dân đa số là hộ nghèo, cận nghèo được cung cấp sản phẩm, tổng giá trị đạt gần 8 nghìn tỷ đồng; tổng số phí thu được là 374 tỷ đồng, số tiền các doanh nghiệp đã bồi thường trên 700 tỷ đồng.

Ông Trung cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn coi việc phát triển bảo hiểm vi mô nói riêng, bảo hiểm toàn diện nói chung là giải pháp tích cực nhằm thực hiện an sinh xã hội. Hiện tại, Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc hỗ trợ các đối tượng người nghèo, cận nghèo mua bảo hiểm. Đối với lĩnh vực bảo hiểm vi mô cho các tổ chức chính trị- xã hội, đang trình Nghị định để Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn, là cơ sở pháp lý để các tổ chức triển khai các hoạt động bảo hiểm vi mô với các điều kiện và quy định ở mức phù hợp nhằm dễ dàng đến được với người tham gia bảo hiểm và phục vụ, hỗ trợ, giúp đỡ họ tốt hơn.

 

Toàn cảnh hội thảo

Ông Antonis, Giám đốc chương trình của GIZ cho biết, đối tượng hướng tới trong chương trình hợp tác giữa GIZ và Hội LHPN Việt Nam là phụ nữ nông dân, nông thôn, các đối tượng người nghèo, người yếu thế, vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, Ông Antonis mong muốn các sản phẩm mà GIZ phối hợp với Hội LHPN Việt Nam được thiết kế phù hợp, mang lại lợi ích cho họ; đồng thời cũng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các sản phẩm được quan tâm như bảo hiểm mùa màng, bảo hiểm gia súc, gia cầm, các sản phẩm bảo hiểm khác mà người nghèo chưa có cơ hội được tiếp cận một cách hiệu quả như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm rủi ro thiên tai, hiểm họa thiên nhiên...với mức phí phù hợp với họ để giúp chính sách an sinh được thực hiện ngày càng tốt hơn.

Ông Antonis, Giám đốc chương trình của GIZ (giữa ảnh) trao đổi với các đại biểu dự hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận về một số vấn đề liên quan đến thực trạng và ảnh hưởng, hậu quả do biến đổi khí hậu, thiên tai gây ra trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là những người nghèo, người yếu thế tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; những cơ hội, thách thức, chính sách của nhà nước về phát triển bảo hiểm vi mô, bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp dành cho người nghèo, điều kiện để các tổ chức chính trị xã hội tham gia cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô phù hợp đến các hội viên, trong đó có phụ nữ khu vực nông thôn.

Trong khuôn khổ chương trình, Hội LHPN Việt Nam và tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm hỗ trợ Hội LHPN Việt Nam phát triển và cung cấp các giải pháp bảo hiểm thông qua mạng lưới của Hội và Quỹ Bảo hiểm vi mô cho hội viên phụ nữ; phát triển các dịch vụ tài chính toàn diện, bao gồm bảo hiểm cho các đối tượng, đặc biệt là phụ nữ thu nhập thấp, phụ nữ nghèo dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Hội LHPN Việt Nam và tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm hỗ trợ Hội LHPN Việt Nam phát triển và cung cấp các giải pháp bảo hiểm thông qua mạng lưới của Hội và Quỹ Bảo hiểm vi mô cho hội viên phụ nữ

Nguồn: Trang web Hội LHPN Việt Nam



Chuyên mục Tin tức

Du lịch Phú Thọ

Liên kết web

Thống kế truy cập

  •   Đang Online: 64
  •   Tổng truy cập: 3328744